Phát biểu nhân dịp Amazon khai trương văn phòng làm việc lớn nhất thế giới của mình ở thành phố Hyderabad (miền nam Ấn Độ), ông Amit Agarwal - Giám đốc Amazon phụ trách thị trường Ấn Độ, cho rằng "Có rất nhiều cơ hội để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh thay vì chỉ tìm cách đặt ra các điều kiện ràng buộc nó".
Doanh nghiệp cứ loay hoay
Đầu năm 2019, Ấn Độ đã sửa đổi một số quy định về thương mại điện tử, đặt ra thêm rào cản cho Amazon và Flipkart - công ty con của đối thủ Walmart Inc.
Theo ông Agarwal, "thương mại điện tử thực sự có thể thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ một cách đáng kể, chỉ cần cho phép nó phát triển mạnh". Giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ông Agarwal cũng thông tin thêm về việc Amazon đang hợp tác với khoảng 500.000 người bán và đã tạo ra hơn 200.000 việc làm tại Ấn Độ kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động TMĐT vào năm 2013.
Việc Amazon chủ động tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ấn Độ xuất khẩu đã góp phần mang lại thành quả hơn 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu và dự kiến sẽ vượt 5 tỷ USD trong 3 năm tới. Tuy nhiên, thủ tục hành chính rườm rà đang gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
"Ngay cả một người muốn bán hàng ra bên ngoài tiểu bang của mình cũng phải đăng ký thuế ở tiểu bang mới. Có bao nhiêu chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ phải trải qua những thủ tục phiền phức như vậy? - vị này đặt câu hỏi và cho biết: "Rất nhiều giấy tờ có thể cắt giảm được. Chúng tôi cứ phải loay hoay với các cuộc tranh luận về TMĐT và nội địa hóa dữ liệu".
Quy định sửa đổi của Ấn Độ về TMĐT, cùng với việc yêu cầu các công ty đa quốc gia phải lưu trữ dữ liệu tại địa phương, đã khiến Mỹ - quốc gia có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới - không hài lòng và đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nước lên cao hơn.
Ấn Độ cho rằng sở dĩ họ xây dựng quy định như vậy là nhằm bảo vệ lợi ích của các thương nhân nhỏ, cũng như quyền riêng tư của công dân trong nước.
![]() |
Ấn Độ là thị trường tăng trưởng chủ lực của Amazon |
Thị trường mũi nhọn cuối cùng
Việc Amazon khai trương văn phòng làm việc mới hoành tráng ở Ấn Độ diễn ra chỉ vài tháng sau khi công ty có trụ sở tại Seattle này hủy bỏ kế hoạch xây dựng một văn phòng quy mô lớn ở New York, với lý do không tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo chính quyền sở tại. Amazon sau đó đã chọn Arlington (Virginia) là địa điểm xây dựng văn phòng sắp tới của mình.
Ấn Độ được coi là thị trường tăng trưởng chủ lực cuối cùng của "gã khổng lồ" TMĐT Amazon. Và, nhà sáng lập Jeff Bezos đã cam kết đầu tư hơn 5 tỷ USD vào việc mở rộng Amazon trên đất Ấn Độ.
Amazon cho biết khuôn viên văn phòng làm việc mới ở Ấn Độ, với diện tích gần 4 ha, có tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD và có thể chứa hơn 15.000 nhân viên. Amazon có 62.000 nhân viên ở Ấn Độ, khoảng 1/3 trong số đó làm việc tại thành phố Hyderabad.
Mặc dù gặp phải một số điều kiện kinh tế bất lợi, Amazon không có ý định trì hoãn quá trình bành trướng ở Ấn Độ, thậm chí "vào những thời điểm càng khó khăn thì khách hàng càng muốn được hưởng nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn và nhiều lựa chọn hơn", ông Agarwal tự tin khẳng định.
Không đưa ra con số thống kê cụ thể, song ông Agarwal cho biết số lượng người dùng đăng ký thành viên trong chương trình khách hàng thân thiết Prime của Amazon đã tăng gấp đôi trong 18 tháng qua ở Ấn Độ. Và, Ấn Độ chính là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Amazon Prime trên toàn thế giới.
Hải Châu