Theo phản ánh của người lao động, tình trạng lao động nữ trên 35 tuổi bị sa thải diễn ra ở khá nhiều DN FDI với lý do chủ yếu là: một số ngành nghề không phù hợp với lao động sau tuổi 35; với chính sách lương hiện hành, DN sẽ phải trả lương cao cho người có thâm niên cao và đương nhiên có mức đóng BHXH cao, gây bất lợi cho DN; một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong khi nguồn lao động trẻ còn khá dồi dào.
Muôn cớ đuổi việc
Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: DN tìm nhiều cách, nhiều lý do để sa thải người lao động, có thể là tạo áp lực công việc để người lao động không dễ hoàn thành, có DN chấm dứt hợp đồng lao động mà không có lý do cụ thể.
Thực trạng này gây ra rất nhiều hậu quả, hệ lụy từ việc sa thải người lao động ở tuổi sau 35, mà lớn nhất là vấn đề an sinh xã hội trong tương lai; vấn đề tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động; tạo tâm lý bất an xã hội, có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực khác…
Kết quả điều tra, khảo sát từ nhóm lao động bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động cho thấy: 24,2% nhiều nguy cơ bệnh tật, 38,1% gánh nặng cho gia đình, địa phương, 27% chưa chắc đã có cơ hội để phát huy, 15,2% không có sức khỏe, mất khả năng lao động, 19% bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hoặc việc làm xấu, 12,8% gia đình lục đục, lăng mạ nhau, 11,2% bị phân biệt đối xử, kỳ thị.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết khu vực DN FDI hiện đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, DN FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống, tạo thêm áp lực xã hội cho các địa phương có liên quan. Đặc biệt, thu hút lao động của các DN FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động.
Nhiều DN có tỷ lệ lao động nữ rất cao nhưng giá nhân công thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bất ổn trong quan hệ lao động. Việc di cư ồ ạt giữa các vùng, địa phương cũng làm nảy sinh vấn đề an sinh xã hội như công tác tái định cư, đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu…
![]() |
Nhiều doanh nghiệp FDI tìm mọi lý do sa thải lao động nữ sau 35 tuổi |
Phải có chế tài
Trước tình trạng trên, ông Hiểu cho rằng trong thu hút đầu tư, Nhà nước cần hình thành các định hướng và chính sách trong lựa chọn, thu hút đối tác đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài; chú trọng các đối tác có công nghệ hiện đại, quản trị tốt, ý thức tuân thủ pháp luật cao; ưu tiên thu hút các đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn.
Nhà nước nghiên cứu, ban hành các quy định pháp luật để "thắt chặt", hạn chế tình trạng DN "sa thải" người lao động trên 35 tuổi; đặc biệt là các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhóm lao động này.
Đồng thời, Nhà nước quy định và mở rộng quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN khi người lao động bị "sa thải", ràng buộc DN phải đóng đủ BHXH 20 – 30 năm cho người lao động, nếu muốn "sa thải", hay đền bù một lần cho người lao động bị "sa thải" để họ tự tham gia BHXH.
"Chính sách tổng thể về người lao động mất việc làm trong DN, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được hợp nhất, lồng ghép vào trong các chính sách phát triển như một bộ phận cấu thành. Điều này cho phép huy động các nguồn lực được phân bổ thường xuyên vào việc đảm bảo việc làm, đời sống, các vấn đề cứu trợ xã hội cho người lao động một cách bền vững", ông Hiểu kiến nghị.
Đặc biệt, ông Hiểu nhấn mạnh, sự thay đổi công nghệ trong những năm tới khá nhanh chóng, nhất là dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, một mặt sẽ góp phần phát triển các khu công nghiệp, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các vấn đề về việc làm chung cho xã hội và nhu cầu về đời sống của người lao động khi thay đổi môi trường sống mới. Do đó, cần phải tính trước những chính sách để ứng phó với các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình này.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam, cần chú ý tới chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng. Trong giai đoạn tới, thu hút vốn FDI cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng, đặc biệt ưu tiên những DN chế biến sâu, công nghệ cao, năng lượng mới để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn.
Thy Lê