Tại Diễn đàn “Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” diễn ra chiều nay (16/7) tại Hà Nội, các chuyên gia đã kêu gọi việc sớm ban hành một Chiến lược riêng nhằm thúc đẩy mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giải pháp quan trọng để phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết Việt Nam hiện sở hữu nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, hơn 156 triệu tấn mỗi năm gồm rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê và chất thải chăn nuôi, song tỷ lệ tái chế, tái sử dụng mới chỉ đạt dưới 35%, chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán, dẫn đến thất thoát tài nguyên và gia tăng phát thải.
![]() |
Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn. |
Theo ông Thịnh, nhu cầu trong nước và quốc tế về nông sản “xanh - tuần hoàn - carbon thấp” ngày càng gia tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã tiên phong đã triển khai thành công các mô hình VAC, OCOP và mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - ao - rừng. Tuy nhiên, thiếu vắng một khung chuẩn quốc gia về quy trình, tiêu chuẩn, chứng nhận và nhãn mác cho sản phẩm tuần hoàn đang cản trở doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, khiến họ chịu nhiều rủi ro thị trường và giảm hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro và ưu đãi đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu một nền tảng số tổng thể để quản lý chuỗi phụ phẩm, phát thải.
Trước thực trạng này, ông Thịnh kiến nghị Chính phủ ban hành Chiến lược Nông nghiệp Tuần hoàn với lộ trình rõ ràng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư xanh và lồng ghép mục tiêu Net‑zero vào chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực. Cụ thể, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý bằng cách xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, chứng nhận và nhãn mác riêng cho sản phẩm tuần hoàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm.
"Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường, từ đó làm tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã.. đầu tư vào kinh tế tuần hoàn", ông Thịnh gợi ý.
Cuối cùng, ông đề xuất cần hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản tuần hoàn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh trong xu thế kinh tế xanh toàn cầu.
Cùng quan điểm, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), cho biết kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng nông sản, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Ông Thắng khẳng định: “Áp dụng mô hình tuần hoàn đã trở thành yêu cầu bắt buộc để giữ vững vai trò trụ đỡ kinh tế, đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững.”
Với những kiến nghị cụ thể về Chiến lược, chính sách tài chính, công nghệ và hạ tầng số, giới chuyên gia tin rằng nông nghiệp tuần hoàn sẽ “cất cánh”, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và chủ động hội nhập sâu rộng trong xu thế kinh tế xanh toàn cầu.
Hồng Hương