![]() |
Sang quý II, một số ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng bù cho quý I theo quy định tại Thông tư 03. Vì vậy, lợi nhuận sẽ khó đạt được mức tăng trưởng như quý I. (Ảnh minh hoạ: Int). |
Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế và được nhìn thấy rõ ràng qua các con số tăng trưởng giảm mạnh. Tuy nhiên dường như ngành ngân hàng đang đi ngược xu hướng này khi con số lợi nhuận quý I/2021 của nhiều nhà băng khá... “đẹp”.
Vì sao ngân hàng vẫn lãi lớn?
Các chuyên gia cho rằng những tác động của dịch Covid-19 tới ngân hàng là có độ trễ. Doanh nghiệp và người dân là các khách hàng gặp khó khăn trước, sau đó mới tác động tới ngân hàng.
Tuy nhiên trên thực tế, dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020 và kéo dài đến nay vẫn chưa được khống chế tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, ngay tháng đầu năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Hoạt động kinh doanh khó khăn khiến các cá nhân, doanh nghiệp đều dè chừng với những kế hoạch đầu tư mới, mở rộng quy mô.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần FiinGroup, tính cả năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng niêm yết vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 16,1%. Tổng thu nhập hoạt động tăng 12,8% còn chi phí dự phòng rủi ro tăng 19,7% so với năm 2019.
Bước sang quý I/2021, lợi nhuận của các ngân hàng còn tăng trưởng cao hơn. Đơn cử như MSB tăng 300%, CTG tăng 150%, MBB tăng 100%, ACB tăng 61%, VCB tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020…
Nhìn vào những con số trên có vẻ như ngành ngân hàng đang miễn dịch với tác động của dịch Covid-19? Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động vào hai yếu tố cơ bản của ngành ngân hàng đó là nhu cầu vay vốn và chất lượng tài sản.
Trong năm 2020 tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đạt 12,13%, chỉ thấp hơn khoảng hơn 1% so với năm 2019 là 13,65%. Quý I/2021 tăng trưởng tín dụng đạt 2,93%, mức tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chất lượng tài sản, theo báo cáo tài chính của các ngân hàng năm 2020, nợ xấu tăng nhanh ở hầu hết các ngân hàng do thực hiện Thông tư 01 về cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Lợi nhuận quý I vẫn chưa nói lên điều gì
Đến đây, một câu hỏi nữa được đặt ra là, mặc dù nợ xấu tăng cao, nhưng do tín dụng vẫn tăng trưởng tốt nên lợi nhuận của ngân hàng vẫn ấn tượng?
Lý giải về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhìn nhận, triển vọng tích cực của kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 3 đến nay, cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vắc-xin tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021.
Ngoài ra, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.
Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của lợi nhuận ngân hàng năm 2021, song các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2021.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lợi nhuận quý I không phản ảnh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do các ngân hàng chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro vì thông thường các nhà băng trích lập con số khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, năm nay NHNN vừa ban hành Thông tư 03 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro theo quy định quý I là 30%. Vì vậy, sang quý II, có thể ngân hàng sẽ trích bù.
Các chuyên gia cho rằng, lợi nhuận quý I năm nay so với nền lợi nhuận rất thấp của quý I/2020, nên tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.
Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp và nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn khiến nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng lên và như vậy, lợi nhuận các quý còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Huyền Anh