Trong nửa đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Diễn biến lãi suất ra sao?
Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN, tại thời điểm tháng 5, lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng; và 6,9-7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trái với xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm trong vài tháng trước, khảo sát của VnBusiness cho thấy, từ tháng 6, xu hướng giảm lãi suất huy động chững lại, một số ngân hàng điều chỉnh tăng giảm trái chiều lãi suất tiết kiệm và tiếp tục sang đầu tháng 7, song lãi suất vẫn duy trì dưới 6%/năm.
![]() |
6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. |
Điển hình, với các khoản tiền gửi tại quầy, BaoVietBank tăng ở kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. BacABank tăng lãi suất ở các kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống nhưng giảm lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. VPBank cũng hạ lãi suất ở hầu hết kỳ hạn, còn MB giảm lãi suất tiền gửi trực tuyến. Ở khối ngân hàng nước ngoài, CIMB hạ lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Hiện, Vikki Bank (tên gọi mới của DongABank) trả lãi suất cao nhất thị trường, cũng là đơn vị duy nhất trả lãi 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi khách hàng gửi trực tuyến. Các ngân hàng còn lại phần lớn trả lãi suất từ 4% đến dưới 6% cho khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất 6%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi dài, không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu. Như Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12-18 tháng và 24-36 tháng; HDBank áp dụng lãi suất 6% cho kỳ hạn 18 tháng; BVBank cũng chi trả 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng và 6,0%/năm cho kỳ hạn 48 tháng. VietABank duy trì mức 6,0%/năm duy nhất ở kỳ hạn 36 tháng; Bac A Bank áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Theo dự báo của ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối khách hàng cá nhân Shinhan Bank Việt Nam, lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì ổn định và có thể tăng nhẹ từ cuối quý III năm nay, theo tính mùa vụ, do nhu cầu vốn chuẩn bị cho dịp Tết tăng lên.
Về phía lãi suất đầu ra, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 tổ chức ngày 9/7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong những tháng đầu năm, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, đến ngày 10/6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.
Trong dự báo mới nhất, Ngân hàng UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên các mức lãi suất chính sách như hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,5%. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi đáng kể trong 1 - 2 quý tới, NHNN có thể hạ lãi suất chính sách một lần xuống mức thấp như trong thời kỳ Covid-19 là 4%. Tiếp theo, nhà điều hành sẽ có một đợt giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất.
Công cụ “đa nhiệm” của chính sách tiền tệ
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2, lãi suất hiện tại đang ở mức “tốt nhất, hợp lý và khoa học”, thể hiện rõ qua hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng và cầu tín dụng tăng. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân cần chi phí vốn hợp lý để phục hồi và mở rộng sản xuất.
Trong vai trò là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất đã góp phần giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát (CPI bình quân 6 tháng tăng 2,62%, thấp hơn cùng kỳ năm trước) đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư và củng cố niềm tin thị trường. Từ đó góp phần quan trọng vào GDP 6 tháng đầu năm 2025 với mức tăng trưởng ấn tượng 7,52% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Mức tăng trưởng GDP vượt trội của Việt Nam trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 219 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 17,9%, đạt 212 tỷ USD.
Đại diện NHNN Khu vực 2 cho rằng mặt bằng lãi suất thấp hiện nay tiết giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và kích thích nhu cầu vay, mở rộng sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp và đầu tư đổi mới sáng tạo. Thực tế chứng minh chính sách lãi suất phù hợp cũng đang tạo động lực cho các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng an sinh xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia phát huy hiệu quả.
Không chỉ vậy, lãi suất cũng là công cụ được các chuyên gia khuyến nghị với NHNN áp dụng khi bỏ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng. Theo ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, không nên quản ngân hàng bằng room tín dụng, chỉ nên quản bằng lãi suất.
Một số ý kiến lo ngại trường hợp bỏ room tín dụng, nguy cơ lãi suất sẽ tăng. Một trong những biện pháp mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị NHNN phải rất chủ động trong điều hành lãi suất. "Do đó, NHNN sẽ cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động chính sách rất kỹ lưỡng để có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về lộ trình dỡ bỏ room tín dụng trong thời gian tới", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm.
Thanh Hoa