Sau những động thái giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông báo về việc giảm lãi suất điều hành. Đây là lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN kể từ tháng 10/2017.
Giảm lãi suất điều hành sau gần 2 năm
Theo đó, NHNN ra quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/ năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/ năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng được điều chỉnh từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Việc cắt giảm này được đánh giá sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong nước có thêm cơ hội giảm xuống, nhất là khi các ngân hàng hiện đã và đang xuất hiện tình trạng “chạy đua” tăng lãi suất huy động. Điều đó sẽ giúp khơi thông thêm dòng vốn cho kinh doanh sản xuất trong mùa cuối năm.
Theo báo cáo của NHNN, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,2 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 – 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5 – 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 – 7,5%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 – 9,0%/ năm đối với ngắn hạn; 9,0 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lý giải cho động thái giảm lãi suất điều hành lần này, NHNN cho rằng giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
“Giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có FED, ECB đã giảm lãi suất điều hành; trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. Vì vậy, từ ngày 16/9/2019, NHNN quyết định điều chỉnh giảm lãi suất”, NHNN cho biết.
![]() |
Mức lãi suất mới giảm 0,25% so với mức cũ |
Cẩn trọng với lạm phát
Đánh giá về động thái của NHNN, một số chuyên gia cho rằng sau hàng loạt ngân hàng trung ương thế giới giảm lãi suất đã tạo sức ép, khiến NHNN Việt Nam phải giảm lãi suất điều hành là kịp thời nhằm hỗ trợ kinh tế trong nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu việc điều chỉnh giảm lãi suất ở mức 0,25% có tác động nhiều đến nền kinh tế hay không?
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, nước nào cũng sử dụng việc giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế. NHNN hạ lãi suất mang tính chất thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, tăng trưởng, xuất khẩu, vay vốn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ tác động cả tiêu cực lẫn tích cực.
Về phía tích cực, việc giảm lãi suất điều hành có thể tác động đến mặt bằng lãi suất chung cho nền kinh tế, nếu giảm được lãi suất cho vay sẽ giúp DN rất nhiều, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu, từ đó duy trì được sự tăng trưởng cho nền kinh tế và tăng trưởng các chỉ số vĩ mô.
Về mặt tiêu cực, hạ lãi suất sẽ làm tăng lạm phát và tăng tỷ giá. Sẽ có một lượng tiền lớn đưa vào lưu thông, làm giảm giá trị tiền đồng, do đó sẽ đẩy tỷ giá lên. Điều này sẽ tác động đến lạm phát và tỷ giá.
Theo ông Hiếu, để đánh giá được tác động của việc giảm lãi suất cần thời gian trả lời. “Tuy nhiên, liều lượng điều chỉnh 0,25% chưa đủ mạnh để có tác động mạnh về mặt tích cực. Hiện nay, lãi suất cho vay đến 11-13%, trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh 0,25%, nên “liều thuốc” chưa đủ. Đặc biệt, hai thị trường 1 (lãi suất liên ngân hàng) và thị trường 2 (lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế) không liên thông chặt chẽ với nhau, trong khi lãi suất NHNN điều chỉnh ở trên thị trường 1, nên tác động sang thị trường 2 không nhiều. Như vậy, giảm sự tác động của việc giảm lãi suất”, ông Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics, cho rằng khi ECB hạ lãi suất là là dịp để NHNN giải quyết gián tiếp vấn đề về tỷ giá, bởi tỷ giá thời gian qua tăng khá mạnh so với USD, cũng như các đồng tiền khác trong khu vực.
Thông qua việc giảm lãi suất VND sẽ khiến giá trị tiền đồng giảm, đồng USD tăng lên, giúp giảm áp lực đối với tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, việc hạ lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vốn đổ vào nền kinh tế mạnh. Tuy nhiên, ông Minh khuyến cáo nếu cơ quan quản lý không có biện pháp quản lý, nguy cơ tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Dẫu vậy, ông Minh cho rằng lạm phát trong 8 tháng đầu năm không cao, do đó tác động cũng không nhiều. Ngoài ra, nhu cầu vốn của nền kinh tế từ nay đến cuối năm rất cao, nên việc giảm lãi suất sẽ khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh cạnh tranh để thu hút tiền gửi.
“Tất nhiên, tiền gửi ngắn hạn có thể giảm xuống, vì các ngân hàng có thể vay tái chiết khấu của NHNN. Kỳ hạn dài thì có thể chưa ảnh hưởng ngay, mà sẽ qua một thời gian”, ông Minh cho hay.
Huyền Anh