Thay đổi cách tiếp cận
Là một trong số gương mặt thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp tại địa phương, Zơrâm Achút (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Tà Vạc, thị trấn P’rao) được biết đến với nhiều mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả.
![]() |
Được sự hỗ trợ, nhiều mô hình khởi nghiệp của các thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: TL) |
Lúc bắt tay khởi nghiệp, do thiếu nguồn vốn, thiếu kiến thức, kỹ năng khiến Achút loay hoay không thể tìm ra hướng đi mới. Có những lúc anh nản lòng và có ý định từ bỏ, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của địa phương, Achút đã mạnh dạn tìm nguồn vay để tiếp tục phát triển mô hình.
Sau khi thành công, anh đã tham gia vào THT, cùng chia sẻ giúp đỡ người dân phát triển mô hình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên tại địa phương.
“Mình dựa vào rừng để phát triển kinh tế để làm giàu, đó là lợi thế của miền núi. Nhưng điều quan trọng là cần phải biết nắm bắt cơ hội, am hiểu nhu cầu của thị trường và có mục tiêu làm giàu chính đáng” - Achút bộc bạch.
Khác với Achút, sau khi vay vốn ngân hàng, Abing Cắt chọn hướng đi cho mình bằng cách đầu tư thành lập THT thợ hồ thanh niên trong làng. Ban đầu tổ chỉ xây dựng những công trình nhà cấp 4, dần dà Cắt mạnh dạn nhận thầu các công trình lớn hơn, đầu tư một cách bài bản hơn, đảm bảo chất lượng.
“Hồi đó, nghĩ lại mình liều thiệt nhưng sự quyết tâm đã đưa mình thành công hôm nay. Phải dám nghĩ, dám làm thì mới hy vọng đổi đời được” - Abing Cắt chia sẻ.
Hiện, THT của Abing Cắt đã có hơn 30 thành viên tham gia, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương. Thu nhập bình quân mỗi thành viên trong tổ khoảng 4 triệu đồng/tháng, giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống gia đình.
Mô hình THT thợ hồ của Cắt luôn được đánh giá cao, trở thành tấm gương cho sự vượt khó, dám tự thân lập nghiệp để làm giàu chính đáng ở thanh niên miền núi.
Anh Đỗ Hữu Tùng - Bí thư Huyện đoàn Đông Giang cho biết, trong những năm qua, các cấp bộ đoàn đã đóng góp tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào khởi nghiệp trên địa bàn miền núi.
Theo đó, các cấp bộ đoàn đã tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên thiết thực, ý nghĩa, chung tay cùng chính quyền địa phương thay đổi diện mạo nông thôn. Bên cạnh phong trào “Tuổi trẻ Đông Giang chung tay xây dựng nông thôn mới”, tổ chức đoàn còn thực hiện tốt chương trình hành động “Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững”.
“Các cấp bộ đoàn thay đổi cách tiếp cận hộ thanh niên nghèo theo hướng “tăng đồng hành, giảm hỗ trợ”. Nổi bật, có một số đơn vị thành lập Đội thanh niên xung kích giảm nghèo bền vững với yêu cầu mỗi cán bộ công chức trẻ đồng hành, hỗ trợ một hộ thanh niên thoát nghèo bền vững.
Kết quả, có 1.000 hộ thanh niên được tổ chức đoàn đăng ký hỗ trợ thoát nghèo, trong đó đến năm 2020 toàn huyện có 530 hộ thoát nghèo bền vững”, anh Tùng cho biết thêm.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Theo báo cáo, tính đến ngày 20.5.2020, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH do đoàn quản lý là hơn 18,2 tỷ đồng với 12 tổ tiết kiệm vay vốn. Trong đó, có 483 hộ thanh niên tham gia vay vốn, góp phần giảm nghèo bền vững.
![]() |
Sản phẩm ớt Ariêu của HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih được người tiêu dùng cả nước biết đến (Ảnh: TL) |
Hiện nay, toàn huyện duy trì có hiệu quả 2 HTX, 11 THT do thanh niên làm chủ và 36 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, điển hình như: Công ty TNHH TM&DV Quốc Vũ (thị trấn Prao), HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, HTX Chè dây (xã Tư), mô hình Homestay của thanh niên CLâu Lanh (xã A Ting)…
Theo ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, huyện sẽ đẩy nhanh phát triển sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đặc trưng theo từng vùng, địa phương. Trong đó, mục tiêu cơ bản là xây dựng mỗi xã có một HTX gắn với sản phẩm cụ thể, phù hợp điều kiện, thế mạnh ở địa phương đó.
Việc này nhằm đáp ứng xu hướng tất yếu của thị trường; đón đầu cơ hội phục vụ du lịch, khi các dự án du lịch lớn trên địa bàn đi vào hoạt động. Muốn vậy, việc thúc đẩy, phát huy tinh thần khởi nghiệp là hết sức quan trọng.
Thời gian tới, huyện đoàn sẽ chú trọng ưu tiên các nhóm đối tượng được xác định là trung tâm nhằm tạo ra những mô hình tốt, điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Đồng thời thành lập Tổ công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đẩy mạnh đào nghề cho thanh niên, tập trung các ngành nghề huyện có lợi thế như: lĩnh vực nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con miền núi.
Ngọc Giang