Chị Nương là cán bộ ở xã miền núi Tiên Ngọc, thường xuyên xuống cơ sở với bà con nông dân. Qua đó, chị nhận thấy tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng, phát triển cây ngải, trong khi hầu hết nông dân sau khi thu hoạch ngải về chế biến thủ công, hiệu quả chưa cao.
Đầu tư phát triển
Chị Nương đã tìm hiểu về tinh bột ngải và thấy công dụng của sản phẩm khá tốt, thị trường của mặt hàng này có tiềm năng. Giữa năm 2019, chị Nương cùng chồng và một số hộ dân đứng ra thành lập THT Nông nghiệp & dịch vụ Tiên Ngọc do chị làm tổ trưởng.
![]() |
Sàn phẩm tinh bột ngải có tiềm năng tiêu thụ rất tốt (Ảnh: TL) |
Theo chị Nương, vấn đề khó nhất khi cơ sở đi vào hoạt động là thiếu vốn. Với kinh phí hơn 60 triệu đồng, THT đã đầu tư tổ hợp máy gồm máy rửa nguyên liệu, máy xay vắt và máy sấy, đồng thời tập trung mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, từ 3ha cây ngải ban đầu lên hơn 5ha.
“Làm tinh bột ngải không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật nhưng mất thời gian vì trải qua nhiều công đoạn. Khoảng từ tháng 3 - 5, bà con bắt đầu thu hoạch củ ngải già, hàm lượng tinh bột nhiều, lúc đó cơ sở cũng bắt đầu đi vào hoạt động.
Mỗi ký ngải tươi được THT thu mua với giá 5.000 đồng. Vừa qua, THT thu mua 12 tấn ngải tươi và chế biến ra khoảng 630kg tinh bột ngải. Hiện, mỗi ký bột ngải bán ra thị trường với giá 220 nghìn đồng”, chị Nương cho biết.
Để đảm bảo chất lượng và màu sắc sản phẩm, các thành viên THT sử dụng máy sấy, không cho sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và đảm bảo giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng. Ngoài đầu tư làm tinh bột ngải, THT còn chế biến tinh bột nghệ. Vừa qua, THT thu mua hơn 4 tấn nghệ tươi, chế biến ra 115kg tinh bột nghệ. Mỗi ký tinh bột nghệ có giá bán lẻ 600 nghìn đồng, bán sỉ 450 nghìn đồng.
Thu nhập ổn định
Trong đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Tiên Ngọc chọn tinh bột ngải là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bước đầu, tinh bột ngải của xã Tiên Ngọc đã khẳng định được thương hiệu và là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.
![]() |
Mô hình làm tinh bột nghệ, tinh bột ngải của THT Nông nghiệp & dịch vụ Tiên Ngọc mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: TL) |
Bà Đoàn Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc cho biết: “Để tạo điều kiện cho THT phát triển, xã đã hỗ trợ 40 triệu đồng giúp cơ sở mua sắm máy móc trang thiết bị sản xuất và hỗ trợ 70 triệu đồng giúp bà con mở rộng vùng nguyên liệu. Thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây màu, trong đó có trồng cây ngải nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu, cho thu nhập ổn định”.
Hiện, sản phẩm tinh bột ngải, tinh bột nghệ của THT Nông nghiệp & dịch vụ Tiên Ngọc được tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Tuy doanh thu bước đầu mang lại chưa cao, nhưng được người tiêu dùng tin tưởng, đầu ra sản phẩm khá thuận lợi, góp phần tăng thu nhập cho các hộ thành viên và tạo thêm việc làm cho người dân tại địa phương. Đây cũng là tiền đề giúp THT vững tin đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu.
"Gia đình tôi sống chủ yếu vào nghề sản xuất tinh bột ngải, bột nghệ. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch ngải về chế biến thủ công nên hiệu quả chưa cao, cuộc sống bấp bênh. Từ khi tham gia vào THT, ứng dụng máy móc vào công đoạn sản xuất, cùng với đầu ra ổn định, mỗi tháng sau khi trừ đi chi phí tôi thu về khoảng 7-8 triệu đồng.
Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn. Không những vậy, nhiều hộ dân được tham gia liên kết cũng đã vươn lên thoát nghèo, đảm bảo cuộc sống hơn trước đây", chị Nguyễn Thắm, một thành viên THT phấn khởi nói.
Lãnh đạo xã Tiên Ngọc nhận xét mô hình làm tinh bột nghệ, tinh bột ngải của THT Nông nghiệp & dịch vụ Tiên Ngọc là một mô hình mới trên địa bàn xã, vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa tiêu thụ nguồn sản phẩm cho người dân địa phương, giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhật Nam