Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Vạn Ninh vừa tổ chức đánh giá các sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện năm 2022. Theo đó, toàn huyện có 18 sản phẩm (với 13 chủ thể) được đưa vào danh mục tham gia chương trình OCOP lần này.
Nâng chất lượng sản phẩm
Qua quá trình xét chọn ý tưởng, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh và khảo sát cơ sở, có 11 sản phẩm (9 chủ thể) đủ điều kiện để đánh giá. Các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng theo các tiêu chí: Đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm.
![]() |
Nâng tầm giá trị, phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, sự triển khai đồng bộ, hiệu quả của huyện về tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hợp đồng với đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể… đã giúp các cơ sở có điều kiện phát triển và hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với thực tế. Các sản phẩm được đánh giá hoàn chỉnh hơn so với giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, hội đồng của huyện xem xét rất kỹ vấn đề chứng nhận các tiêu chuẩn theo quy định. Đối với các tiêu chí chưa đạt, địa phương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể để sản phẩm hoàn thiện hơn, phấn đấu có từ 5 - 6 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận 3 sao. Khi đó sẽ nâng tầm giá trị, phát huy thế mạnh sản phẩm, tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình trong những năm tiếp theo. Giai đoạn 2022-2025, toàn huyện có 22 sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện đã đánh giá 10 sản phẩm đạt từ 50 điểm trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt ngưỡng 4 sao và 6 sản phẩm đạt ngưỡng 3 sao cấp huyện. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP lần này mang tính đặc trưng, thế mạnh của địa phương cao, như: Chả cá, nhang trầm, dừa xiêm…
Là một chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm nay với sản phẩm hàu sữa sạch Vinabs, Giám đốc CTCP Thủy sản Sinh học Vina Nguyễn Kỳ Sanh thông tin, thời gian qua, Công ty đã được các ngành, địa phương, đơn vị tư vấn hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, thiết kế bao bì, mẫu mã, marketing để hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, Công ty luôn chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đến tận vùng nuôi chọn nguyên liệu, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn theo tiêu chí của OCOP.
“Chương trình OCOP có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp, giúp sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Đặc biệt, khi sản phẩm OCOP được cấp tỉnh công nhận đạt 3 sao hoặc 4 sao, thị trường tiêu thụ và đối tượng khách hàng tiếp cận sản phẩm sẽ nhiều hơn”, ông Sanh đánh giá.
Trong khi đó, ông Lê Minh Thanh - hộ kinh doanh sản phẩm hương trầm xã Vạn Thắng chia sẻ, năm nay, cơ sở tham gia chương trình OCOP với 2 bộ sản phẩm là nhang trầm hương không tăm và nhang trầm hương có tăm. Thế mạnh sản phẩm của cơ sở là được sản xuất tại làng nghề truyền thống xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng) đã có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được người tiêu dùng biết đến. Khi tham gia chương trình, cơ sở mong muốn các cấp, ngành đẩy mạnh hoạt động quảng bá để sản phẩm OCOP có được thị trường tiêu thụ rộng hơn, từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm của địa phương.
Theo đó, huyện phấn đấu năm nay có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Vạn Phú, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Vạn Long, các xã còn lại tiếp tục giữ vững chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nguồn vốn thực hiện chương trình năm 2022 là 82,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho tiêu chí giao thông hơn 25,5 tỷ đồng, tiêu chí thủy lợi 12,3 tỷ đồng, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa 7,6 tỷ đồng và tiêu chí trường học gần 37,1 tỷ đồng.
Hiện nay, Vạn Ninh có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Thắng, Vạn Phước, Vạn Thọ, Xuân Sơn), 1 xã đang trình tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Vạn Khánh), 1 xã đạt 15 tiêu chí (Vạn Long), 1 xã đạt 12 tiêu chí (Vạn Thạnh).
Gắn với du lịch nông thôn, làng nghề
Những năm gần đây, trầm hương Khánh Hòa ngày càng được nhiều người biết đến, do đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ trầm tăng lên một cách nhanh chóng, đặc biệt trong các dịp như Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan làng nghề truyền thống đã giúp cho đời sống của những người làm nghề xoi trầm tại thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng được nâng lên một cách đáng kể.
![]() |
Kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng trong chương trình OCOP của huyện Vạn Ninh, đặc biệt là việc gắn với phát triển du lịch nông thôn, khám phá làng nghề (Ảnh: TL) |
Năm 2019, xuất phát từ những cựu chiến binh thuộc của Làng nghề xoi trầm với khát vọng đưa sản phẩm trầm hương của làng nghề đi xa hơn trong nước và quốc tế, HTX Trầm hương Vạn Thắng được thành lập với 7 thành viên, số vốn điều lệ ban đầu 350 triệu đồng. HTX chủ yếu hoạt động động trong mảng dịch vụ kinh doanh các sản phẩm trầm hương với nhóm sản phẩm chủ yếu : Nhang trầm, tinh dầu, các sản phẩm trang sức và vật dụng (vòng tay, quạt, dây chuyền, mặt phật…). Sản phẩm của HTX đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Đến nay, ngoài bán hàng trực tiếp theo hình thức truyền thống, HTX Trầm hương Vạn Thắng đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Từ khi được đưa lên sàn postmart.vn, thông tin về các sản phẩm trầm hương của HTX dễ tìm kiếm hơn nên HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí có cả những đơn hàng từ nước ngoài. Hiệu quả kinh tế mang lại cho HTX cũng đã tăng lên, doanh thu năm 2022 ước đạt 2,75 tỷ đồng.
Theo đại diện HTX, việc thành lập HTX chỉ là bước đầu, tiếp theo sẽ phát triển làng nghề trở thành một điểm đến văn hóa của du khách gần xa: “Bao nhiêu năm nay, người dân làng trầm mong mỏi sản phẩm làng nghề phải gắn liền với du lịch. Chỉ có phát triển du lịch mới có thể khiến cho trầm hương vươn xa hơn và lưu giữ những truyền thống của cha ông. Hiện nay đã có nhà trưng bày, là điều kiện thuận lợi để làm du lịch làng nghề. Muốn vậy, những người làm trầm phải tự làm mới mình, phải thay đổi theo thị hiếu của khách hàng”.
Lãnh đạo UBND huyện khẳng định, việc nhà trưng bày đi vào hoạt động sẽ phát huy được thế mạnh sản phẩm của làng nghề; mở ra một hướng đi hoàn toàn mới, đó là phát triển loại hình du lịch nông thôn kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống. Các cơ sở, hộ gia đình trực tiếp chế tác sản phẩm trầm hương, cung cấp các sản phẩm lưu niệm được chế tác từ trầm hương cho du khách. Thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện để Vạn Thắng có thể trở thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Du lịch Nha Trang cũng cho rằng, việc xã Vạn Thắng định hướng phát triển du lịch làng trầm là hướng đi đúng, bền vững. Bởi nơi đây lưu giữ nghề truyền thống của cả xứ trầm hương. Mỗi hộ gia đình đều có các nghệ nhân chế tác là một điều kiện vô cùng thuận lợi. Phát triển được du lịch làng nghề sẽ biến làng trầm Phú Hội thành một điểm đến văn hóa truyền thống cho du khách, làm đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương.
Minh Linh