Nhận thấy tỏi được trồng ở các xã dọc Quốc lộ 6 như: Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Sặp Vạt với sản lượng khá lớn, HTX Tây Bắc, tiểu khu 4, thị trấn Yên Châu (Sơn La) đã đầu tư lò ủ để sản xuất tỏi đen.
Doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mở thêm kênh online
Bà Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc, cho hay trong sản xuất sản phẩm tỏi đen, không sử dụng chất phụ gia hay chất bảo quản, là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Tham gia chương trình OCOP, HTX được các ngành chức năng của huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia chương trình. Năm 2019, sản phẩm "Tỏi đen Châu Yên" của HTX được UBND huyện chứng nhận đạt giải A trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP". Đến năm 2020, sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.
![]() |
Tìm cách đưa sản phẩm OCOP lên bán hàng trực tuyến thay vì chỉ sử dụng kênh trực tiếp. |
"Tỏi đen Châu Yên" của HTX Tây Bắc đã được quảng bá rộng rãi và bán trên các sàn thương mại điện, các trang mạng xã hội và các cửa hàng phân phối, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất và tiêu thụ 3 tấn tỏi đen, chủ yếu xuất bán tại các thị trường: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa... Doanh thu mỗi năm đạt từ 2,5-3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ kênh phân phối online, ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã mạnh dạn đưa ra đề xuất với đại diện các sàn thương mại điện tử để góp phần giải bài toán vận chuyển, cung ứng các loại nông sản từ các đơn hàng trên sàn.
Hiện nay, ông Sơn cho hay, HTX sắp hoàn thành kho hàng nông sản quy mô lớn, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe để hàng hóa bảo quản trong điều kiện tốt nhất có thể xuất khẩu. Kho nằm ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, vị trí thuận lợi tại trung tâm nguyên liệu của vùng nên hoàn toàn có thể liên kết cùng các doanh nghiệp để giải quyết bài toán vận chuyển tới các khu vực lân cận.
Tương tự, đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp chia sẻ: Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp đã có 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 61 sản phẩm OCOP 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao. Đồng Tháp rất quan tâm tới hoạt động thương mại hóa các sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể liên kết với thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP được bán trên sàn thương mại điện tử Shoppe, 100 sản phẩm trên sàn VoSo, 76 sản phẩm trên Lazada, 73 sản phẩm trên sàn Co.opmart...
Theo đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh bền vững. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên các kênh thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử; xây dựng các chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển chuỗi liên kết giữa chủ thể với các doanh nghiệp…
Phải đổi mới cả sản xuất
Trước những thành công lớn, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, trong đó các cơ quan lý nhà nước sẽ là các cơ quan nối dài, hướng dẫn hỗ trợ cho các chủ thể OCOP cùng phối kết hợp với các tập đoàn, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Từ đó, đưa các sản phẩm OCOP của các chủ thể, các địa phương không chỉ bó hẹp trong phạm vi của địa phương mình mà rộng hơn là từ địa phương này sang địa phương kia và hướng tới các sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua các kênh, các sàn thương mại điện tử. Đây sẽ là một nội dung rất quan trọng để góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho các chủ thể OCOP.
Để hỗ trợ hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh online, bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, cho hay đơn vị này sẽ tiếp tục tổ chức các tuần hàng nông sản an toàn tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị kết nối giao thương, sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước, tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước như Shopee, Postmart.
Năm 2022, một trong những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại chính đã được Sở Công Thương Sơn La và các sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện như: Tổ chức Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La; Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La năm 2022 với quy mô trên 500 đại biểu với 28 điểm cầu trong nước và 17 điểm cầu tại 7 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được thành công hơn nữa, từ trải nghiệm thực tế qua các hoạt động kết nối, quá trình quản lý, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, các HTX, cơ sở, doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ thách thức và từng bước định hướng mở rộng thị trường đa kênh. Đó là quá trình đổi mới toàn diện không chỉ có đầu ra mà còn ở cấp độ sản xuất, củng cố và kế thừa điểm mạnh của các kênh tiêu thụ truyền thống đã có, đồng thời gắn kết với ứng dụng tiến bộ từ nền thương mại điện tử hiện đại.
Vân Hà