Theo đó, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Hưng Yên và ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Đồng hành cùng nông dân
Đến nay, ứng dụng công nghệ số trong trồng trọt đã được ngành nông nghiệp ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.
![]() |
Tỉnh Hưng Yên xác định đồng hành, hỗ trợ nông dân, HTX trong chuyển đồi số lĩnh vực nông nghiệp (Ảnh: Int) |
Cụ thể, ngành nông nghiệp đã cấp 17 mã vùng trồng cho các sản phẩm nhãn, vải, chuối; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp (hy.check.net.vn); xây dựng và duy trì sản phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia hệ thống; đã hỗ trợ trên 2,3 triệu tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các loại rau, quả, thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, cá của các mô hình; đã xây dựng cơ sở dữ liệu của các đơn vị tham gia nhằm cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhất tạo niềm tin với người tiêu dùng; xây dựng mô hình sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát dịch hại trên cây trồng; áp dụng hệ thống tưới thông minh, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cho 3.700ha; cập nhật giá cả, thông tin thị trường nông sản qua báo cáo trực tuyến.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS) trong báo cáo dịch bệnh ở đàn vật nuôi; xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Trong lĩnh vực thủy sản, ngành đã xây dựng, thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nuôi thả thủy sản trên địa bàn.
Cùng với những kết quả bước đầu trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ viễn thám để cung cấp bản đồ tuổi lúa và thống kê diện tích theo huyện, xã theo chu kỳ tháng; Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành NN&PTNT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; dự án hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm, kết nối kênh tiêu thụ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề tỉnh Hưng Yên với cộng đồng các nhà bán lẻ giai đoạn 2021 - 2025; dự án điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực làm cơ sở hỗ trợ xây dựng nông nghiệp điện tử phục vụ quản lý và định hướng vùng nông sản hàng hóa tập trung chuyên canh gắn với xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp sẽ giúp kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Vì vậy, để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, tỉnh Hưng Yên xác định sẽ đồng hành cùng nông dân và HTX, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất bằng những chính sách cụ thể, thiết thực.
Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác
Ngay sau khi trở thành tỉnh NTM năm 2020, tỉnh Hưng Yên đã tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX đã xây dựng Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
![]() |
Các HTX là một trong những đối tượng rất cần được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh (Ảnh: TL) |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 đã xác định mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp thành một ngành sản xuất mạnh, thông minh, có năng suất lao động cao, từng bước số hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tổ chức liên doanh liên kết (đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm với người dân), xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín từ khâu lựa chọn giống đến khi bán sản phẩm ra thị trường; hình thành, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn.
HTX sản xuất và nhân giống nấm Nam Hàn (huyện Ân Thi) là một trong những HTX tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo đó, HTX chủ động sản xuất nấm thương phẩm ở tất cả các khâu, bao gồm cả khâu khó nhất là nhân giống, nuôi cấy phôi nấm.
HTX hiện duy trì gần 10.000m2 trồng nấm công nghệ cao trong nhà kính. Để hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong các khâu, HTX đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, thiết bị với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng như: máy đảo nguyên liệu tự động, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống theo dõi nhiệt độ, độ ẩm…
Nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX có thể sản xuất nấm quanh năm, ngay cả những khi thời tiết nắng nóng. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp HTX tiết kiệm chi phí nhân công 40 - 50%; năng suất tăng 30- 40% trên cùng một đơn vị diện tích so với sản xuất truyền thống; chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn…
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 350 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 729 trang trại cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển tương đối toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Đây là những đối tượng đang rất cần được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị nông sản, nâng thu nhập cho các thành viên HTX và nông dân. Từ đó, đóng góp quan trọng vào hoàn thành các tiêu chí về tạo việc làm, giảm nghèo, hình thức tổ chức sản xuất… trong xây dựng NTM.
Theo đánh giá, việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sẽ giúp các HTX tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Đức Nguyễn