Tính đến cuối năm 2019, với 3 xã Liên Hà, Mê Linh và Phi Tô đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện Lâm Hà đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí
Trong đó, xã Gia Lâm cơ bản đạt các nhóm tiêu chí của xã NTM nâng cao, xã Đông Thanh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao.
![]() |
Diện mạo nông thôn tại huyện Lâm Hà có sự đổi thay đáng kể nhờ chương trình xây dựng NTM (Ảnh: TL) |
Để hoàn thành chỉ tiêu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, trong năm 2019, ngân sách nhà nước đã phân bổ hơn 29 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ đào ao, hồ nhỏ.
Cùng với nguồn lực từ ngân sách, các địa phương trên địa bàn huyện Lâm Hà cũng đã tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực từ các tầng lớp nhân dân đóng góp được hơn 17 tỷ đồng, thực hiện được 68 công trình giao thông nông thôn.
Không chỉ thêm nhiều công trình giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng, hoàn thiện; mà phong trào thi đua xây dựng NTM còn lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng các tuyến đường xanh sạch đẹp, khu dân cư kiểu mẫu…
Theo đó, giá trị sản xuất đạt 125 triệu đồng/ha canh tác; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 59,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,11%.
Trong năm 2019, huyện Lâm Hà đã chú trọng chỉ đạo thực hiện chương trình NTM trên địa bàn 3 xã đăng ký về đích cơ bản đạt 19 tiêu chí (Liên Hà, Mê Linh, Phi Tô), 1 xã đăng ký NTM nâng cao năm 2019 cơ bản đạt 5/5 nhóm tiêu chí nâng cao (Gia Lâm).
Kết thúc năm 2019 có 14 xã (Đông Thanh, Gia Lâm, Tân Văn, Đạ Đờn, Nam Hà, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Sơn, Tân Hà, Tân Thanh, Liên Hà, Mê Linh, Phi Tô) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã Gia Lâm đạt 5/5 nhóm tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2019; bình quân chung 14 xã đạt 19 tiêu chí/xã; huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Năm 2020, huyện đã đặt ra mục tiêu duy trì và phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với 14 xã đã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu 2 xã Đông Thanh, Tân Hà trong nhóm 4 xã Đông Thanh, Tân Hà, Tân Văn, Hoài Đức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao và đăng ký về đích; xây dựng kế hoạch xã Gia Lâm có tiêu chí đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, rà soát các tiêu chí, xây dựng kế hoạch phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020.
“Trụ cột” khu vực kinh tế hợp tác
Đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó chỉ còn 28 HTX đang hoạt động, 6 HTX không hoạt động và đã thực hiện giải thể tự nguyện 5 HTX theo quy định; thành lập mới 2 HTX là HTX Cây ăn trái Thanh Long Nam Hà, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hoàng Vũ.
![]() |
Khu vực kinh tế hợp tác đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM, đặc biệt là tiêu chí sản xuất, giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 80 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả (trong đó: 73 THT có chứng thực hợp đồng hợp tác). Tổng số thành viên tham gia là 2.179 thành viên, tổng số lao động thường xuyên khoảng 820 người.
Các HTX và tổ hợp tác là nơi liên kết các hộ dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, ký kết tiêu thụ đảm bảo đầu ra với các thương lái và doanh nghiệp. Nhờ có HTX và tổ hợp tác, nhiều thành viên và người dân có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và thoát nghèo thành công, một số hộ còn vươn lên khá giả.
Điển hình những HTX sản xuất liên kết gắn với thị trường tiêu thụ ổn định ở huyện Lâm Hà như: HTX Su su Công Thành, HTX Thương mại và Dịch vụ La Ba, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành, HTX sản xuất cây ăn trái Bốn Mùa...
Nổi bật trong khu vực kinh tế hợp tác là HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà, tại thôn Hoàn Kiếm 2, xã Nam Hà. HTX mới được thành lập vào năm 2016, xuất phát từ nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của các hộ nông dân. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã có 51 thành viên với 30ha canh tác theo hướng VietGAP, liên kết với các hộ nông dân khoảng 320ha chuyên canh rau, củ, quả. Tất cả đều được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, giống mới... Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường từ 300 - 500 tấn rau, củ, quả các loại.
Giám đốc HTX Nguyễn Đăng Bằng cho biết, nắm bắt được nhu cầu của thị trường về rau, củ, quả sạch, nhất là sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng tăng, HTX đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ thành viên, từ đó mở ra một bước ngoặt quan trọng trong tập quán sản xuất của nông dân trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và Đam Rông. Các sản phẩm rau, củ, quả an toàn của HTX được khách hàng đánh giá cao cả về mẫu mã lẫn chất lượng.
Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 40 lao động địa phương. Đồng thời tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát huy tính tự chủ của người dân, tạo điều kiện để người dân được hưởng thành quả từ chính nền sản xuất nông nghiệp. Sự thành công của các HTX như Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà đã đóng góp tích cực vào thành công của chương trình xây dựng NTM của huyện Lâm Hà, đặc biệt là với các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, giảm nghèo…
Đức Nguyễn