Với đặc trưng tôn giáo, Ấn Độ hiện đang là thị trường sử dụng hương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn cầu. Trung bình, mỗi ngày một gia đình tại Ấn Độ sử dụng hết 10 cây hương.
Cơ duyên cây hương
Vị giám đốc của HTX Sản xuất và Dịch vụ công nghiệp Phú Hải - ông Vũ Đức Phú (Đông Triều, Quảng Ninh), vốn là công nhân tại Nhật Bản. Nhưng như cơ duyên, ông quen biết một người bạn có gia đình làm nghề sản xuất hương truyền thống.
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng hương tăm, ông Phú đã quyết tâm học hỏi kinh nghiệm. Sau vài năm bôn ba trở về nước với số vốn nhất định, ông Phú quyết định mang nghề làm hương tăm về lập nghiệp ở quê hương.
Bắt tay vào nghề, năm 2012, việc đầu tiên ông Phú làm là thành lập HTX Sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải do ông làm Giám đốc.
Xác định tiêu chí chất lượng là yếu tố quan trọng để thành công, HTX Phú Hải đã quyết tâm thực hiện sản xuất hương sạch, ông Phú quyết tâm đầu tư hệ thống nhà xưởng có quy mô 5.000 m2 với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Các nguyên liệu sản xuất hương cũng được HTX thu mua từ nhiều nơi, như: Thân hương được thu mua ở Phú Xuyên (Hà Nội), keo được chế biến bằng vỏ cây bời lời từ trong Gia Lai…
Sản phẩm của HTX sử dụng mùn cưa từ gỗ keo, than hoa, cật tre... những thứ từ thiên nhiên để làm nguyên liệu chính. Tất cả đều được chọn lọc, giám sát để tránh nguyên liệu không bảo đảm hay có lẫn tạp chất.
Hợp chất để kết dính tạo nên cây hương thành phẩm cũng được chế biến từ các loại củ, không dùng keo công nghiệp nên tuyệt đối an toàn cho thành viên sản xuất và người sử dụng. Nhờ đó, sản phẩm hương của HTX khi đốt lên không bị khét, ngột ngạt hay bị tắt giữa chừng mà ngược lại có mùi thơm mát, dễ chịu và đặc biệt cháy đều từ đầu đến cuối.
Hiện nay HTX đang cố gắng cải tiến các giải pháp để hợp lý hóa sản xuất. Riêng chất kết dính đã được ông Phú thay từ keo của vỏ cây bời lời sang keo bột sắn, vừa cho kết quả tốt hơn lại rẻ hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.
Không những thế, thấy việc nhập cây bời lời từ Gia Lai vừa tốn lại khó khăn, HTX đã đặt mua 10.000 cây giống bời lời về trồng ở Quảng Ninh. Điều này sẽ giúp HTX chủ động hơn trong việc cung cấp nguyên vật liệu sản xuất hương, đồng thời giúp giảm chi phí, giá thành sản phẩm.
![]() |
Dây chuyền sản xuất hương của HTX |
Tỏa hương tận Ấn Độ
Ngay khi học nghề, ông Phú đã nhận thấy tiềm năng của cây hương trên thị trường, nhất là các nước Á Đông theo Phật giáo như Ấn Độ - cái nôi của văn hóa Phật giáo.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng Ấn Độ lại là một thị trường rất khó tính trong các tiêu chí liên quan đến chất lượng nên sản phẩm cung cấp cho thị trường này phải đảm bảo tốt về chất lượng.
Để đáp ứng được các yêu cầu này, HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng gồm trên 70 máy sản xuất với sản lượng 80kg/máy/ngày, xác suất hoàn chỉnh là 99%, chỉ có 1% sản phẩm hỏng sẽ được gom lại và cho vào máy nghiền thành bột tổng hợp, sau đó được tái sản xuất.
Vừa qua, HTX cũng đã đầu tư thêm 2 hệ thống băng chuyền nhập khẩu Đài Loan góp phần tiết kiệm được nhân công, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
HTX cũng đã nghiên cứu và đầu tư thêm 6 quạt sấy sử dụng năng lượng mặt trời với công suất 36 tấn/ngày để giảm thời gian sấy từ 12 tiếng xuống còn 8 tiếng giúp giảm cá chi phí đi kèm.
Với việc hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo thương hiệu và uy tín của riêng mình, HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng hương với Tập đoàn Rangarao & Son S của Ấn Độ để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay, nhờ cây hương, trung bình mỗi năm HTX đạt doanh thu 700 - 800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 8 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm cho 80 lao động địa phương, trong đó có cả người khuyết tật với mức lương 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện 95% khối lượng sản phẩm của HTX xuất sang thị trường Ấn Độ. 5% còn lại, HTX dành để giới thiệu sản phẩm tiếp cận thị trường mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở thị trường châu Á khác.
Trong tương lai, ông Phú cho biết sẽ còn phải mở rộng quy mô sản xuất mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bởi hiện nay, ngoài Ấn Độ, HTX cũng đã nhận được đơn đặt hàng của các đối tác từ Malaysia.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng hương của người dân trong nước cũng ngày càng tăng, hiện hàng các doanh nghiệp, HTX cung ứng và tiêu thụ hương tại miền Bắc như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng... cũng đang mong muốn có được sản phẩm của HTX.
Theo dự tính của ông Phú, HTX sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để mở rộng đầu tư nhà xưởng với đầy đủ hệ thống máy nghiền, trạm điện… và các hệ thống để hoàn thiện sản phẩm, tẩm hương, đóng gói xuất khẩu.
Sau khi mở rộng, HTX sẽ thu hút thêm khoảng 50 lao động và tăng sản lượng lên gấp 1,5 lần so với hiện nay.
Hồng Nhung