Từ năm 2011, dự án Thêm cây (thuộc chương trình Hợp Lực - do tổ chức Xã hội Dân sự trong Phát triển của Đan Mạch - CISU - tài trợ) đã được triển khai tại huyện Hương Sơn với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý rừng, sản xuất lâm nghiệp bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng rừng. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Dự án đã đem lại lợi ích cho các thành viên HTX Sơn Hàm trên nhiều phương diện.
Kinh tế bền vững, gắn kết thành viên
HTX hoạt động trên lĩnh vực cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác, vận tải và kết nối tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng.
Để hoạt động cung ứng giống cây hiệu quả, bảo đảm chất lượng nguồn giống, HTX đã liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi (thuộc Viện Rau quả Hà Nội) và các trung tâm, công ty sản xuất cây giống khác có uy tín.
Năm 2016, HTX đã xây dựng vườn ươm cây giống với quy mô sản xuất 2 ha, năng suất 1 triệu cây/năm với các loại cây như Keo lai hom BV10, Keo tai tượng, Keo Úc, Sấu, Xà cừ, Phi lao...
HTX tổ chức ký kết hợp đồng cung ứng cây giống với Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã, các trang trại và tổ chức, cá nhân khác.
Khi triển khai Dự án, 60 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ đã được tổ chức cho 1.900 nông dân; 1.200 nông dân thuộc 58 nhóm sản xuất đã được nâng cao năng lực hoạt động quản lý và phát triển rừng bền vững.
Các nhóm có đề xuất phương án sản xuất kinh doanh đã nhận được số tiền hỗ trợ từ Dự án lên đến trên 1,2 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục, như: Khai thác rừng, chăm sóc rừng, trồng, ươm cây giống và sản xuất nông - lâm kết hợp, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững.
Các lớp tập huấn này đã làm cho nhận thức, tư duy về quản lý, phát triển rừng của các thành viên HTX tiến bộ đáng kể. Các thành viên được nâng cao năng lực trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, hạch toán kinh tế, khai thác gỗ tiết kiệm, bảo vệ rừng.
![]() |
Vườn ươm cây giống của HTX Sơn Hàm |
Vì lợi ích thành viên
Cũng chính từ đây, các nhóm sản xuất được hình thành, có ý nghĩa về mặt xã hội, khi tạo cơ hội cho các thành viên nhóm được thường xuyên gặp gỡ, bàn bạc giải quyết khó khăn, tăng hiệu quả công việc, đồng thời tăng sự gắn kết trong cộng đồng.
Nhờ sự hỗ trợ của Dự án, 3.500 ha rừng trồng của 1.800 hộ nông dân huyện Hương Sơn đã được áp dụng kỹ thuật lâm sinh, quản lý hiệu quả, tăng giá trị kinh tế.
Đặc biệt, dự án này đã đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho HTX, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Sự ra đời của HTX Sơn Hàm đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng, khi 60 nhóm nông dân trồng rừng với khoảng 900 hộ gia đình thành viên được đại diện bởi một tổ chức có tư cách pháp nhân.
Nhờ mô hình HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp cũng được thực hiện một cách có hệ thống, toàn diện, từ khâu cung cấp nguồn giống trồng rừng, cung cấp dịch vụ trồng, chăm sóc, khai thác rừng cho tới dịch vụ quản lý rừng như hồ sơ, kỹ thuật, tài chính.
Tham gia HTX, các nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp được lựa chọn tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật, trang bị các kỹ năng toàn diện về lâm nghiệp, từ trồng, chăm sóc, cải tạo rừng cho tới bảo vệ, phòng chống cháy rừng và kỹ năng hạch toán kinh tế hộ.
Khi hoàn thành khóa tập huấn trở về địa phương, chính những học viên này lại đóng vai trò “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn cho người dân cùng thôn, xóm, xây dựng nguồn nhân lực nòng cốt ngay tại địa phương.
Ông Trần Đình Gia - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh kiêm Trưởng ban dự án Thêm cây, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua của các thành viên HTX Sơn Hàm, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Hà Xuyên