![]() |
HTX Evergrowth Sóc Trăng giúp thành viên làm giàu |
Về Sóc Trăng hôm nay, rất dễ nhận thấy bò sữa đã trở thành con vật nuôi xóa đói giảm nghèo bền vững của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Đây cũng là kết quả của 15 năm miệt mài nỗ lực của HTX Nông nghiệp Evergrowth - đầu mối triển khai Dự án nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng do Tổ chức CIDA (Canada) tài trợ.
Khởi đầu với trên dưới 400 con bò sữa và 171 thành viên tham gia nuôi bò, đời sống bà con hết sức khó khăn, đến nay Evergrowth đã trở thành “mái nhà chung” của 2.676 hộ gia đình, tương đương 12.000 - 13.000 nhân khẩu với đàn bò sữa lên đến 4.700 con.
Nuôi bò sữa đã trở thành chương trình ưu tiên hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và Sóc Trăng cũng đồng thời là địa phương duy nhất thành công trong phát triển đàn bò sữa tại khu vực ĐBSCL.
Lợi thế của mô hình HTX Evergrowth là khi tham gia, nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; biện pháp phòng trị bệnh…; được cán bộ kỹ thuật của HTX tận tâm hướng dẫn, giải quyết tất cả các khâu vướng mắc trong thực tiễn nuôi bò sữa; được bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của HTX còn tư vấn miễn phí cho nông dân về con giống, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ; cung cấp bản thiết kế miễn phí, cung cấp các dịch vụ thú y, cung cấp cám để nuôi bò, cung cấp dịch vụ gieo tinh, điều trị bệnh, sinh sản của bò sữa… giúp người dân ổn định sản xuất.
Đặc biệt thành viên của HTX được vay vốn với lãi suất 0% và trừ dần vào tiền sữa của chính họ. Nhờ có sự đầu tư đúng mức, lại được hỗ trợ chặt chẽ về mặt kỹ thuật, con giống nên chất lượng sữa tươi của thành viên HTX rất đảm bảo và ổn định, thu nhập của bà con theo đó cũng được cải thiện đáng kể.
Chia sẻ bí quyết thành công, ông Trần Hoàng An - Giám đốc HTX Evergrowth, cho biết lợi thế của mô hình nuôi bò sữa ở Sóc Trăng so với các địa phương khác là nông dân rất cần cù và am hiểu kỹ thuật, nguồn thức ăn cho bò cũng khá phong phú.
Ngoài ra, để quản lý hiệu quả số lượng thành viên khá đông, HTX quyết định thành lập các tổ hợp tác (THT) với 2.676 thành viên, tương ứng với 121 THT hiện tại, nhằm chia nhỏ số lượng thành viên để thuận tiện và dễ dàng hơn cho việc quản lý.
Ban Giám đốc HTX có nhiệm vụ kết nối với chính quyền địa phương và các tổ chức, hướng dẫn các tổ trưởng THT; đồng thời tiếp nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thành viên trong quá trình hoạt động.
Chia sẻ về hướng đi trong tương lai, ông Trần Hoàng An cho biết để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường “mở cửa” đầy tính cạnh tranh, HTX chú trọng gia tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện dinh dưỡng để nâng tầm vóc, sản lượng và chất lượng sữa bò; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi, nâng cao năng suất sản phẩm; đồng thời nâng quy mô đàn bò của các thành viên lên để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, qua đó đem về lợi nhuận cao nhất cho bà con thành viên.
Cụ thể, HTX đã xây dựng kế hoạch đến năm 2023 nhằm bảo đảm kịp thời việc bao tiêu sản phẩm cung ứng cho nhà máy sữa Friesland Campina Việt Nam, đồng thời thực hiện hợp tác với các cơ quan ban ngành ổn định sản lượng sữa nhằm thực hiện phương án liên doanh thành lập nhà máy chế biến sữa, nâng cao chuỗi giá trị sữa tươi cho thành viên.
Minh Thành