Thành lập từ giữa năm 2017, 9 thành viên của HTX nông nghiệp Tân Thành hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất tinh bột nghệ và chế biến nông sản sạch. HTX thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác trồng nghệ và sản xuất tinh bột nghệ nên có nhiều thuận lợi về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Hiện sản phẩm chủ lực của HTX là sản xuất tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen.
Thu gần 3 tỷ đồng/năm
Năm vừa qua, HTX thu mua khoảng 125 tấn củ nghệ tươi của người dân xã Xuân La (Pác Nặm) và xã Nông Thượng (Tp.Bắc Kạn). Với giá 9.000 đồng/ kg nghệ nếp đen và 7.500 đồng/kg nghệ nếp đỏ, HTX xuất bán được 2,7 tấn nghệ thành phẩm có đóng gói, bao bì.
Sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Buôn Ma Thuật, Đăk Lăk. Trồng nghệ đã mang lại doanh thu cho HTX gần 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 thành viên HTX với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 16 lao động địa phương.
Để ổn định vùng nguyên liệu, đầu năm 2018, HTX tiếp tục phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng nghệ với diện tích khoảng 30 ha tại xã Xuân La và xã Nông Thượng.
HTX cung ứng trên 7 tấn nghệ giống cho người dân, cho thu hoạch vào cuối năm. Tuy nhiên tùy thuộc vào chất đất của từng địa phương, thời gian cho thu hoạch sẽ khác nhau, đối với nghệ nếp đen thường 2 năm sẽ cho thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX, cho biết quá trình tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ hay curcumin rất khó, nên việc giữ vững uy tín trên thị trường được HTX đặt lên hàng đầu. Vì vậy, HTX rất chú trọng đến xây dựng vùng nguyên liệu.
Người dân tham gia trồng nghệ được tập huấn kỹ thuật, cam kết chăm sóc theo quy trình do HTX phổ biến, không sử dụng các loại thuốc như diệt cỏ, kích thích để bảo vệ môi trường.
![]() |
Thành viên HTX đóng gói sản phẩm tinh bột nghệ |
Thành công bước đầu
Ngoài cử thành viên giám sát, HTX yêu cầu các hộ tham gia trồng tự giám sát chéo lẫn nhau; trường hợp phát hiện thực hiện không đúng quy chuẩn, HTX sẽ ngừng thu mua.
Sản phẩm sản xuất từ nghệ nếp của HTX được đóng gói, bao bì theo cách đóng hộp thủy tinh và túi giấy bạc theo trọng lượng, có đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, tem chống hàng giả, chiết xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch.
Giá bán được HTX niêm yết trên từng sản phẩm, như: Curcumin giá bán lẻ 300.00 đồng/lạng, tinh bột nghệ 100.000 đồng/lạng.
Nhờ thực hiện ký bao tiêu sản phẩm với HTX, người dân các địa phương yên tâm gắn bó với cây nghệ, bởi đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác.
Chị Triệu Thị Yến - thành viên HTX, cho biết gia đình chị trồng được 1 ha nghệ nếp đỏ, sau hơn một năm đạt sản lượng khoảng 10 tấn củ. Chị ký hợp đồng bao tiêu với HTX với giá 7.500đồng/ kg, thu về khoảng 75 triệu đồng/năm.
HTX khuyến khích người dân tận dụng bã nghệ để lót làm phân bón và trồng xen canh với cây ngô để giảm sức lao động và tăng thêm thu nhập. Bởi khi cây ngô được thu hoạch cũng là thời điểm cây nghệ phát triển tốt.
Theo kế hoạch, HTX sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống máy sấy băng chuyền và máy sấy lạnh, qua đó mở rộng quy mô chế biến nông sản có sẵn tại địa phương, như: Măng, chuối, dược liệu… Theo đó, dự kiến HTX sẽ thu mua khoảng 200 tấn măng tại các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn để sấy khô, đóng gói.
Những thành công bước đầu đã khẳng định HTX nông nghiệp Tân Thành đang khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, tạo việc làm cho nhiều nông dân. Với định hướng phát triển trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản phẩm nông nghiệp của người dân Bắc Kạn sẽ ngày càng vươn xa.
Hà Xuyên