Khoảng 5 năm về trước, dù ấu tẩu là cây dược liệu có giá trị cao, dễ trồng nhưng chính quyền xã Cao Mã Pờ cũng không khuyến khích người dân mở rộng diện tích vì vẫn còn khó khăn về đầu ra.
Trước chủ trương phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Quản Bạ, Cao Mã Pờ chủ động hỗ trợ người dân thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Đình Quang, vừa phát triển sản xuất, vừa liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sản xuất đi liền với bao tiêu
Hiện nay, hầu như nhà nào cũng tận dụng đất nương trồng ấu tẩu vì đã có HTX Đình Quang hỗ trợ vật tư, kỹ thuật và đầu ra. Loại cây này được trồng bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch) đến tầm tháng 7 năm sau là cho thu hoạch. Do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên trồng ấu tẩu không mất nhiều công chăm sóc như trồng ngô. Người dân chỉ cần làm tơi xốp đất đầu vụ, bón thêm phân hữu cơ là có thể thu hoạch.
Tuy nhiên, để bảo đảm tỷ lệ nảy mầm và cho chất lượng tốt nhất, HTX liên kết với ngành nông nghiệp để được cung cấp nguồn giống đạt tiêu chuẩn. Nếu trước đây, người dân trồng rải rác ở các khoảnh nương khác nhau thay thế cây ngô thì nay đã chủ động chuyển đổi diện tích, thực hiện trồng theo mô hình tập trung trên quy mô lớn.
Theo Ban giám đốc HTX Đình Quang, trên địa bàn xã gieo trồng được trên 30 ha cây ấu tẩu, với 290 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, tập trung ở các thôn: Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn, Thèn Ván...
![]() |
Ấu tẩu hiện có đầu ra thuận lợi nhờ HTX |
Ấu tẩu được HTX đứng ra thu mua, sau đó xuất thô cho doanh nghiệp, nên người dân yên tâm mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ cây ấu tẩu.
Ông Hoàng Văn Dèn, thôn Vàng Chá Phìn, chia sẻ: Những năm trước đây, giá ấu tẩu chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng/kg. Giá không ổn định, người dân hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, từ khi HTX đi vào hoạt động, ấu tẩu được bán với giá 50 - 100 nghìn đồng/kg. Người dân không phải lo chuyện đầu ra.
“Với 0,2 ha ấu tẩu, trung bình mỗi năm, gia đình có thu nhập trên 50 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí”, ông Dèn cho biết.
Nâng giá trị, hỗ trợ giảm nghèo
Với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX Đình Quang không chỉ dừng ở việc thu mua sản phẩm thô để cung cấp cho các doanh nghiệp, mà còn xây dựng nhà xưởng, đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến cao ấu tẩu.
Sau khi thu hoạch, củ ấu tẩu được rửa sạch bằng bể rửa 3 ngăn, phơi khô dưới hệ thống khu phơi lưới. Nguyên liệu được cắt nhỏ và đưa vào nồi chiết cao lỏng. Dịch chiết thu được sau quá trình này sẽ được lọc qua thiết bị lọc thô và lọc tinh, rồi đưa vào thiết bị cô đặc chân không nhằm giữ nguyên những tính chất hóa học và hoạt tính sinh học trong cao dược liệu. Cao ấu tẩu đạt tỷ lệ chuẩn là được cô đặc đến khi chỉ còn
Hiện, cao ấu tẩu là một trong những sản phẩm đặc trưng của xã và đang dần hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP của huyện. Việc này không chỉ giúp người dân có đầu ra cho cây ấu tẩu thuận lợi, mà còn đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.
![]() |
Cao ấu tẩu của HTX Đình Quang đã có mặt trên các trang thương mại điện tử |
Trước đây, nhiều người còn e ngại khi mua ấu tẩu về làm dược liệu, thức ăn, bởi độc tố trong loại dược liệu này khá cao nếu không biết sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi đã được chế biến thành cao ấu tẩu và được khử độc tố nên sử dụng an toàn.
Với lợi thế sẵn có, cùng với sự nỗ lực quan tâm của chính quyền địa phương, mô hình sản xuất đi đôi với chế biến của HTX Đình Quang đã góp phần tạo việc làm, nâng cao cuộc sống người dân vùng biên giới, giúp địa phương từng bước giảm nghèo. Nhờ trồng ấu tẩu, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khấm khá. Trung bình, mỗi hộ thu lời hàng chục triệu đồng mỗi năm, là số tiền không nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của địa phương, ấu tẩu thực sự trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đồng bào xã Cao Mã Pờ. Xã đang cùng với huyện tạo mọi điều kiện thu hút các doanh nghiệp, HTX trong thu mua, bao tiêu sản phẩm lâu dài để người dân yên tâm chuyên canh trồng, mở rộng diện tích.
Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 33,58% (giảm hơn 11,11% so với năm 2015), thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm (tăng hơn 6 triệu đồng).
Huyền Trang