Với việc đặt các thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại đồng ruộng, HTX không chỉ cải thiện được môi trường mà còn thay đổi ý thức và hành động của thành viên và người dân đối với việc bảo vệ môi trường từ những việc làm tưởng như nhỏ này.
Việc làm hay thay đổi thói quen
Xã Mê Linh là một vùng chuyên canh rau màu, nhất là rau màu vụ đông. Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, đi đôi với việc sử dụng thuốc BVTV theo tiêu chí 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp), việc xử lý vỏ thuốc sau sử dụng là vấn đề được quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX Mê Linh, cho biết thói quen vứt vỏ bao bì thuốc BVTV xuống kênh mương và ven các tuyến đường nội đồng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường vì đây là vật liệu khó phân hủy và có chứa hóa chất độc hại. Nếu không thu gom theo đúng quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và chất lượng nông sản.
Chính vì vậy, từ khi liên kết với doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Chế biến nông sản, thương mại dịch vụ Thanh Nhàn (Hải Dương) thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX đã đặt các thùng rác bằng nhựa và tiến hành xây các bể chứa bao bì thuốc BVTV tại khu vực sản xuất. Các thùng, bể chứa có nắp đậy, được đặt gần lối đi, sát địa điểm bà con pha thuốc giúp thuận tiện trong việc tập trung bao bì thuốc BVTV.
![]() |
Các thùng rác giúp thay đổi thói quen của người dân sau khi dùng thuốc bảo vệ thực vật |
Bà Lê Thị Thúy, thành viên HTX, cho biết từ ngày HTX Mê Linh đặt các thùng thu gom rác ở đầu các tuyến đường chính dẫn vào ruộng, bà và người dân đều đem bao bì thuốc BVTV bỏ vào thùng để chờ thu gom xử lý. “Tôi thấy mô hình này rất tiện lợi và hiệu quả. Nhờ vậy mà khu vực ruộng nhà tôi không còn tình trạng vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV vứt ngổn ngang như trước đây nữa”, bà Thúy chia sẻ.
Việc đặt thùng, bể thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Sau thời gian thực hiện, hoạt động này của HTX Mê Linh được chính quyền địa phương đánh giá là giải pháp hiệu quả thiết thực trong việc xử lý môi trường đồng ruộng và đã thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực.
Lợi ích từ chuỗi liên kết
Trong mối liên kết chuỗi, doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Thành viên và HTX thực hiện tích tụ ruộng đất, sản xuất theo đúng quy trình đã cam kết với doanh nghiệp là thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ban đầu, người dân đã quen với cách trồng rau truyền thống lâu năm nên khi chuyển sang trồng rau an toàn VietGAP cần tuân thủ quy trình, kỹ thuật nhất định, nhiều hộ tỏ ra e ngại. Họ cho rằng hướng trồng rau mới này khó thực hiện, tuy rau sạch nhưng nếu không được bón bằng phân hóa học thường xuyên hay phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh thì năng suất kém, mẫu mã rau xấu, khó bán.
Tuy nhiên khi thấy HTX phân tích về những cái lợi khi tham gia chuỗi như: được hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, lại không lo đầu ra, giá bán cho doanh nghiệp được bảo đảm cao hơn giá thị trường,… dần dần, người dân đã tuân thủ theo các nguyên tắc sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX cho biết nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng bảo vệ môi trường nên chất lượng rau màu HTX làm ra được đánh giá cao, bảo đảm nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp thu mua về chế biến phục vụ xuất khẩu. Năm 2020 là năm thứ 8 HTX Mê Linh liên kết sản xuất cây màu với Công ty Thanh Nhàn.
![]() |
Cà rốt là một trong những cây trồng chính của HTX Mê Linh những năm gần đây |
Hiện nay, HTX Mê Linh đang duy trì sản xuất rau trên diện tích 120ha. Trong đó, tập trung vào vụ đông. Tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp mà mỗi năm, HTX trồng những loại cây rau màu chủ đạo khác nhau. Hai năm gần đây, ngoài trồng các loại rau, HTX còn mở rộng sang trồng cà rốt, khoai tây... Rau, củ quả được doanh nghiệp thu mua tại ruộng và trả tiền theo hình thức khấu trừ vật tư.
Nhờ cách làm trên mà thu nhập của người nông dân, các thành viên HTX bảo đảm ổn định, đời sống ngày một nâng cao. Từ hiệu quả trồng rau màu hơn 2-3 lần trồng lúa, nhiều nông dân đã chủ động liên kết cùng HTX, chuyển đổi sang trồng rau màu.
Theo đánh giá của UBND huyện Đông Hưng, ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, chuỗi liên kết giữa HTX Mê Linh và doanh nghiệp còn tạo ra nông sản an toàn, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng, giúp người dân yên tâm sản xuất và gắn bó với đồng ruộng. Hiện, mô hình sản xuất của HTX Mê Linh đang được các địa phương khác học tập và nhân rộng.
Như Yến