Lãnh đạo huyện Bắc Quang cho biết các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế hộ và cá thể thành viên nhờ giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Thông qua HTX, không ít sản phẩm nông nghiệp của huyện đã tìm được chỗ đứng trên thị trường như: cam, chè, rau sạch…
Song hành hai mục tiêu
Không đi theo lối mòn sản xuất theo quy mô hộ gia đình, đoàn viên xã Tân Thành đã liên kết và thành lập HTX thanh niên Huỳnh Minh, cùng nhau xây dựng mô hình sản xuất khép kín với đa dạng vật nuôi.
Dưới mặt nước, các thành viên HTX nuôi cá lồng, trên mặt đất xây dựng chuồng trại nuôi gia cầm kết hợp nuôi giun quế. Giun được sử dụng làm thức ăn nuôi cá, nuôi gà. Phần thu phụ từ giun làm phân bón để trồng rau màu. Phân từ nuôi gà, trâu, bò làm nguyên liệu để nuôi giun quế.
![]() |
Khu vực nuôi cá lồng của HTX thanh niên Huỳnh Minh (Ảnh: TL) |
Nhờ nuôi theo hướng tuần hoàn nên HTX giải quyết được bài toán xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, từ đó vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa nâng cao giá trị sản xuất. Tất cả các sản phẩm nuôi, trồng của HTX đều là những sản phẩm hữu cơ an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. Hiện nay, HTX tiếp tục mở rộng quy mô để tạo ra các sản phẩm sạch, nhiều chủng loại cung cấp cho thị trường.
Ngoài xuất bán cho các đơn vị đến thu mua, HTX còn kết hợp bán cho du khách tham quan trên lòng hồ thuỷ điện. Doanh thu từ mô hình sản xuất tổng hợp mang về khoảng 1,5 - 1,7 tỷ đồng/năm.
Cũng là mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Bắc Quang, HTX Nông sản dầu lạc Đồng Yên (xã Vĩnh Phúc) thực hiện bao tiêu toàn bộ số lạc của người dân để bán tươi và thực hiện chế biến thành dầu ăn. Bã hạt lạc sau khi ép lấy dầu được thu gom và ngâm ủ với chế phẩm vi sinh, sau quá trình ngâm ủ sẽ thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng. Ưu điểm của loại phân này là không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người, giảm bớt được chi phí đầu tư so với các loại phân hóa học khác.
Theo Ban giám đốc HTX, nếu không thu gom và xử lý bã dầu lạc hợp lý sẽ gây mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bởi, khi vào chính vụ, bình quân mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 200 tấn lạc tươi nên lượng bã lạc thải ra là rất lớn.
Việc chú trọng xử lý chất thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Dầu lạc của HTX được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhờ quy trình sản xuất khoa học, đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh khác.
Tạo điều kiện cho HTX phát triển
Là một huyện miền núi với thế mạnh phát triển về nông nghiệp, kinh tế hợp tác, HTX là một thành phần quan trọng đóng góp chung cho sự nghiệp phát triển kinh tế và thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới tại Bắc Quang. Tuy nhiên, quá trình sản xuất tại các HTX không tránh khỏi nảy sinh các vấn đề về rác thải, ô nhiễm môi trường... Chính vì vậy, nhiều HTX trong huyện rất chú trọng bảo vệ môi trường song song với nhiệm vụ sản xuất.
Hầu hết các HTX đã tham gia các lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sinh học; cùng địa phương ra quân thu gom rác thải nông nghiệp, trồng cây xanh ven bờ ruộng...
Tiêu biểu như HTX cam sạch xã Vĩnh Phúc. Ngoài thực hiện thu gom rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích cam của mình, các thành viên cùng địa phương vận động người dân phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng chế phẩm sinh học thay thế cho phân bón hóa học để giúp đất không bị bạc màu, tạo sản phẩm cam ngon, sạch. Nhờ đó, cam của HTX Vĩnh Phúc tạo được thương hiệu trên thị trường, được các siêu thị ký hợp đồng thu mua. Hoạt động của HTX còn giúp xã Vĩnh Phúc từng bước hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
![]() |
HTX cam sạch xã Vĩnh Phúc xây dựng được thương hiệu nhờ chú trọng bảo vệ môi trường (Ảnh:TL) |
Theo Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang hiện có hơn 40 HTX nông nghiệp, thu hút gần 340 thành viên tham gia với tổng vốn góp trên 46,8 tỷ đồng. Qua thực tế hoạt động, nhiều HTX đã chứng minh hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái nhờ chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc chế biến sâu, sản xuất gắn liền với truy xuất nguồn gốc…
Tiếp tục phát huy thế mạnh này, huyện Bắc Quang đang tích cực hỗ trợ các HTX liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường; tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX phát triển cả về chất và lượng. Đồng thời, cùng các địa phương xây dựng các bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện tuyên truyền để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đại diện của UBND huyện Bắc Quang, việc hình thành thói quen và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các HTX chính là gốc rễ để giải quyết những khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay.
Huyền Trang