Phiên livestream "Nông sản về Phố 2025" có sự tham gia của đông đảo các HTX trên cả nước, mang đến vô vàn sản phẩm nông sản chất lượng. Điểm nhấn đặc biệt là phiên livestream "Nông sản về Phố 2025" diễn ra từ 20h đến 24h, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người xem trên nền tảng TikTok.
Giá trị thực từ nông sản quê hương
Gần 60 sản phẩm đa dạng của các HTX ở các vùng miền đã được giới thiệu một cách sinh động và hấp dẫn thông qua các phiên phát sóng trực tiếp trên kênh của các diễn viên, tiếp viên hàng không và nhà sáng tạo nội dung số có lượng người theo dõi lớn, với số lượng mắt xem trung bình trên 3-5K.
Điểm cộng lớn của các sản phẩm được giới thiệu trong phiên livestream là nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất và bảo quản được công khai minh bạch. Đặc biệt, người tiêu dùng còn được hưởng mức giá ưu đãi hấp dẫn khi mua hàng trực tiếp qua phiên livestream, thậm chí có những sản phẩm được bán với giá "sốc" chỉ 19.000 đồng. Điều này không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn tạo cơ hội cho người dân thành thị tiếp cận với nông sản chất lượng cao với chi phí hợp lý.
Những nông sản địa phương có cơ hội xuất hiện trực tiếp trong phiên livestream cũng được Liên minh HTX Việt Nam, TikTok và Bộ Công Thương bảo trợ, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng. Các sản phẩm được lựa chọn giới thiệu trong phiên livestream đều là những mặt hàng quen thuộc, dễ sử dụng như mít sấy, khoai sấy, chuối sấy… và đặc biệt đều có chứng nhận OCOP, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng.
![]() |
Giám đốc HTX Bản Việt (bên trái ảnh) tham gia livestream cùng diễn viên Ngô Lệ Quyên. |
Phiên livestream "Nông sản về Phố 2025" mang một ý nghĩa đặc biệt đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là khu vực có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là thông qua các hình thức thương mại điện tử và livestream. Sự kiện này đã tạo ra một cầu nối trực tiếp, giúp nông sản của các HTX ở những vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn trên cả nước, xóa bỏ các khâu trung gian, tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất.
Diễn viên Ngô Lệ Quyên, một trong những người tham gia livestream cùng các HTX, doanh nghiệp chia sẻ: "Tôi hy vọng phiên livestream sẽ giới thiệu được nhiều sản phẩm nông sản chất lượng của bà con, đồng bào dân tộc thiểu số và HTX đến với đông đảo người tiêu dùng. Đây là cơ hội tốt để giúp bà con và các HTX mở rộng đầu ra, đồng thời khẳng định giá trị nông sản Việt. Bởi thông qua hình thức HTX, mô hình này không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên mà còn giúp nhiều người không phải rời xa quê hương để kiếm kế sinh nhai”.
Chị Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (Thái Nguyên) nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm của các HTX: “Nếu nói sản phẩm của các HTX là tinh túy nhất thì có thể chưa đúng, nhưng chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, đặc biệt là các sản phẩm chè và gạo ở Thái Nguyên”.
Qua phiên livestream, chị Yến giới thiệu về đặc sản gạo nếp Thầu Dầu của huyện Phú Bình: “Đây là giống lúa nếp quý hiếm, chỉ xuất hiện ở một vài xã của huyện và được trồng theo quy trình đặc biệt trong vòng 6 tháng. Hạt gạo nếp Thầu Dầu có màu trắng, mẩy và mang hương thơm đặc trưng”. Hiện, HTX Bản Việt đã liên kết với 100 hộ dân để trồng và bảo tồn giống nếp này nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thành các sản phẩm độc đáo như cơm cháy chà bông Yén Vàng và tương nếp Thầu Dầu.
Sản phẩm cơm cháy chà bông Yén Vàng của HTX Bản Việt được đầu tư kỹ lưỡng về mẫu mã, trang nhã và lịch sự. Điểm đặc biệt của món cơm cháy này là được làm từ gạo nếp Thầu Dầu, không sấy mà phải chiên để giữ được độ xốp mềm đặc trưng. HTX tự tin sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với cơm cháy Ninh Bình và hướng đến xuất khẩu.
Trong phiên livestream, cơm cháy chà bông Yén Vàng được bán với giá ưu đãi 45.000 đồng/kg so với giá thông thường là 65.000 đồng/kg. Gạo nếp Thầu Dầu đóng gói hút chân không cũng được bán với giá 45.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thị trường là 70.000 đồng/kg, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Anh Tống Văn Viện, người dân tộc Tày, là Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX nông sản Phú Lương (Thái Nguyên mang đến phiên livestream bộ sản phẩm miến, phở khô, bún nắm được sản xuất từ gạo Khang Dân theo quy trình khép kín, cùng với sản phẩm chè xanh Thái Nguyên nổi tiếng. Anh bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tạo điều kiện để HTX có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trên cả nước.
"HTX chúng tôi sản xuất bằng cái tâm, mong muốn không chỉ phát triển bản thân mà còn mang sản phẩm quê hương đến với nhiều người", anh Viện chia sẻ. Ngoài ra, Hộp quà "Hương Quê" của HTX Phú Lương được bảo hành đến tận tay người tiêu dùng, thể hiện sự cam kết về chất lượng và trách nhiệm của HTX đối với sản phẩm. HTX cũng ưu đãi 100 combo 6 món nông sản Hương Quê trên giỏ hàng TikTok Shop với giá 319.000 đồng, thấp hơn so với giá bán thông thường là 349.000 đồng.
Mở rộng cơ hội, nâng tầm nông sản Việt
Ông Nguyễn Văn Nam, đại diện Công ty Vạn Hoa, thành viên HTX Mai An Tiêm (Thanh Hóa) giới thiệu sản phẩm chủ lực là nghệ tươi ngâm mật ong rừng ngập mặn. Ông Nam tự hào về nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm: "Tất cả mật ong của HTX đều được khai thác từ khu rừng ngập mặn ở Thanh Hóa, đảm bảo chất lượng và hương vị đặc trưng”.
![]() |
Những combo sản phẩm của HTX Sinh Dược được bán trong phiên livstream. |
Còn rất nhiều sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp liên kết được livestream khi được bảo chứng về chất lượng và giá cả như bánh quy matcha xoài, tôm nõn quê hương, miến dong Tài Hoan, Trà đông trùng Linh Chi của HTX Toàn Tâm, xà bông thảo dược của HTX Sinh Dược, cơm cháy Ninh Bình của HTX Hùng 35… Hầu hết các mã giảm giá của HTX đều hết rất nhanh theo giây và phút trong phiên livestream đã giúp các HTX có thêm nhiều cơ hội trong tiêu thụ hàng hóa, quảng bá sản phẩm.
Phiên livestream "Nông sản về Phố 2025" đã khép lại với những kết quả tích cực, không chỉ về mặt doanh số bán hàng mà còn về hiệu ứng truyền thông và cơ hội kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Sự kiện này cho thấy tiềm năng to lớn của hình thức livestream trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một hướng đi đầy hứa hẹn, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt, cải thiện đời sống của bà con nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt, với sự chung tay của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của cộng đồng, mô hình "Nông sản về Phố" thông qua phiên livestream hứa hẹn sẽ tiếp tục được nhân rộng, trở thành một kênh quảng bá và tiêu thụ hiệu quả, bền vững cho nông sản Việt trên hành trình vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Huyền Trang