![]() |
Vinamilk đã nâng sở hữu tại GTNfoods lên hơn 38% |
Đây là mức sở hữu hợp lý để Vinamilk đề cử “người của mình” vào HĐQT GTN (với điều kiện sau 6 tháng liên tục nắm giữ) và chắc chắn nắm giữ quyền phủ quyết tại GTNfoods.
Trước đó, Vinamilk đã chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN với mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cp. So với giá thị trường tại thời điểm Vinamilk chào mua thì mức giá chào mua của Vinamilk thấp hơn thị giá GTN thời điểm đó đến 24%.
Ngay sau khi Vinamilk chào mua thì cổ phiếu GTN đã tăng mạnh, tính đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 20.000 đồng/cp, cao hơn mức giá chào mua 53%. Tức, nếu Vinamilk muốn mua thêm cổ phần của GTNfoods để hoàn thành mục tiêu sở hữu 49% thì có thể phần mua thêm sau này có thể giá sẽ phải cao hơn.
Chủ yếu lượng cổ phiếu GTN mà Vinamilk mua được trong đợt chào mua công khai là từ cổ đông nước ngoài của GTNfoods. Tính đến hết phiên 5/6, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại GTNfoods chỉ còn chưa đầy 4% so với mức gần 35% trước đợt chào mua.
Trong một diễn biến liên quan, từ 14/5 - 31/5 (trong đợt chào mua công khai của VNM), PENM đã bán ra thành công toàn bộ số cổ phiếu GTN đang sở hữu là gần 15 triệu cổ phiếu (tương đương 6%).
Bên cạnh đó, cổ đông ngoại TAEL cũng đăng ký thoái toàn bộ 55 triệu cổ phiếu GTN (tương đương tỷ lệ 22% vốn) từ ngày 10/5 - 7/6 (trong đợt chào mua công khai của VNM).
Ngoài ra, 2 người nội bộ của TAEL và GTN là bà Chew Mei Ying và ông Pan Mun Kit (cùng quốc tịch Malaysia) đều đăng ký bán hết số cổ phiếu GTN cá nhân đang sở hữu.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch sáng 4/6, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 12,1 triệu cổ phiếu GTN với giá trị 226,7 tỷ đồng. Giao dịch diễn ra tại mức giá sàn 17.500 đồng/cp. Giao dịch thỏa thuận cổ phiếu GTN chiếm hơn 41% giá trị giao dịch thỏa thuận trên HoSE trong phiên sáng 4/6.
N.L