CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã: VNM) sẽ thực hiện chào mua tối đa hơn 116,7 triệu cổ phần GTN của CTCP GTNfoods, tương đương với 46,68% số lượng cổ phần đang lưu hành. Thời gian chào mua từ 22/4 đến 22/5.
Với mức giá chào mua 13.000 đồng/cổ phần, số tiền tối đa mà Vinamilk sẽ bỏ ra cho thương vụ này sẽ lên tới 1.517,2 tỷ đồng. Nếu thành công, Vinamilk có thể nâng sở hữu lên 125,5 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn của GTNfoods.
Mục đích thấy rõ
Tính tới phiên giao dịch ngày 12/4, cổ phiếu GTN đang giao dịch tại mức giá 17.100 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 4.000 tỷ đồng. Như vậy, mức giá Vinamilk chào mua đang thấp hơn 24% thị giá của GTN.
Từ đầu năm 2019, giá cổ phiếu GTN liên tục tăng lên và đạt đỉnh 20.500 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 19/3) do những thông tin rò rỉ về thương vụ mua bán này. Đến nay, thị giá GTN đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 66%.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, HĐQT GTNfoods đã có nghị quyết thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN lần đầu của Vinamilk.
Lý do được GTNfoods đưa ra là chưa nhận được sự trao đổi nào của Vinamilk về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác với vai trò là cổ đông lớn vào phát triển của GTNfoods.
Không khó để nhận ra mục đích của Vinamilk khi chịu chi hàng nghìn tỷ đồng cho thương vụ này, bởi GTNfoods đang gián tiếp sở hữu 51% của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) – đơn vị đóng góp hơn 80% doanh thu cho GTNfoods với biên lợi nhuận so với doanh thu đạt hơn 20% (gấp hơn 5 lần biên lợi nhuận ròng toàn GTNfoods năm 2018 khoảng 3,4%).
Ngoài ra, lợi thế của GTNfoods còn là sau quá trình M&A đầy ấn tượng. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 75% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), 95% cổ phần Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), 5% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…
Theo báo cáo của Neilsen, Mộc Châu Milk được biết đến là thương hiệu sữa tươi truyền thống với thị phần chủ yếu tại miền Bắc, chiếm khoảng 25%, còn rất nhỏ so với thị phần của "ông lớn" Vinamilk (55%).
Tuy nhiên, việc sở hữu vùng nguyên liệu cho năng suất sữa tốt hàng đầu Việt Nam hiện nay với đàn bò 24.000 con nuôi trên diện tích 1.000 ha, tạo ra 100.000 tấn sữa tươi hàng năm đã khiến Mộc Châu Milk trở thành "miếng mồi" cho các đại gia ngành này.
Nếu nắm trong tay thương hiệu Mộc Châu Milk, với mạng lưới rộng lớn trên toàn quốc, Vinamilk có thể thông qua đó củng cố thị trường phía Bắc và đưa thương hiệu sữa này đến gần người tiêu dùng phía Nam, mục tiêu chiếm lĩnh 12-15% thị phần sữa uống tại thị trường này.
![]() |
Cổ phiếu GTN đã tăng khá mạnh nhờ thông tin được "ông lớn" quan tâm |
Có thuận lợi mua bán?
Ngoài việc có thể bành trướng thị phần nếu mua thành công cổ phần GTN, động thái này cũng phù hợp với chủ trương hoạt động của Vinamilk.
Năm 2019, Vinamilk tiếp tục tập trung vào ngành sữa và các sản phẩm liên quan, ưu tiên khai thác thị trường nội địa, sẵn sàng cho các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) và mở rộng mới quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Ưu tiên tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia với mục đích mở rộng thị trường.
Theo chia sẻ của đại diện Vinamilk tại Hội nghị Vietnam Access Day (VAD), công ty ước tính hoạt động M&A tiềm năng đến năm 2021 sẽ mang lại thêm 6.000 tỷ đồng doanh thu. Qua đó, Vinamilk kỳ vọng tổng doanh thu vào năm 2021 sẽ đạt 70.000 tỷ đồng, so với 53.000 tỷ đồng năm 2018 (tăng trưởng 32%).
Mục tiêu đã rõ ràng nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Vinamilk có thể thực hiện mua được toàn bộ số cổ phần đã đăng ký hay không trong bối cảnh đã có "dớp" bị từ chối?
Liệu có khó khăn nào sẽ đến với Vinamilk khi UBCKNN đã thông qua kế hoạch chào mua 46,68% cổ phần GTN bất chấp sự phản đối từ GTNfoods. Động thái này cho thấy việc phản đối của HĐQT GTNfoods sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình chào mua công khai.
Theo Thông tư 194 về hướng dẫn chào mua công khai cổ phiếu, phần trách nhiệm của HĐQT công ty mục tiêu có nêu rõ chỉ cần HĐQT công ty mục tiêu đưa ra ý kiến cho cổ đông biết về công ty chào mua, còn công ty chào mua sẽ thực hiện thương vụ trong vòng 30-60 ngày ngay khi được sự chấp thuận của UBCKNN.
Đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan", nếu GTNfoods không muốn bị "nuốt chửng" bởi một đối thủ cạnh tranh trực tiếp chỉ còn cách trông đợi vào các cổ đông.
Thế nhưng, thời gian gần đây, GTNfoods đã có nhiều biến động về cổ đông lớn khi xuất hiện thêm CTCP Chứng khoán Tp. HCM (HSC – mã: HCM) với tỷ lệ sở hữu 8,027% vốn điều lệ bên cạnh CTCP Invest Tây Đại Dương (28,02%); TAEL Two Partners (22%) và quỹ đầu tư PENM IV Germany GmbH & Co.KG (6%).
Cũng tại thời điểm HSC mua vào, CTCP Đầu tư BZZ đã liên tục mua vào cổ phiếu GTN tăng sở hữu lên 17,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 7%. Cùng thời gian này, ông Nghiêm Văn Tùng đã chính thức trở thành cổ đông lớn của GTNfoods khi mua vào hơn 1,39 triệu cp, tăng sở hữu lên 12,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5%.
Đáng chú ý hơn nữa, ông Lars Kjaer (đại diện quỹ PENM Partners), thành viên HĐQT GTN đã có đơn từ nhiệm từ ngày 26/3 vì lý do cá nhân. Đồng thời, thành viên HĐQT Chew Mei Ying và Thành viên BKS Pan Mun Kit (đại diện Tael Two Parteners) đăng ký bán hết 150.000 cổ phiếu GTN trong thời gian từ 19/3 đến 19/4.
Linh Đan