Trước đây Tà Lài được biết đến là xã nghèo, khó khăn so với các xã khác của huyện Tân Phú. Nhưng hiện nay ở xã vùng đệm áp sát Vườn Quốc gia Cát Tiên này đang có những đổi thay rõ nét.
Hiệu quả đầu tư hạ tầng
Ông K’Yểu, người dân tộc Châu Mạ, ở ấp 4, xã Tà Lài, chia sẻ rằng trước kia bà con dân tộc thiểu số trong ấp 4 quanh năm chỉ lo làm việc ruộng đồng để mong có đủ ăn hằng ngày, không nghĩ đến tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, một phần do giao thông khó khăn nên cuộc sống nghèo và lạc hậu kéo dài.
![]() |
Cầu Tà Lài được xây dựng kiên cố giúp thay đổi cuộc sống bà con dân tộc thiểu số người Châu Mạ. |
Thế nhưng, theo ông K’Yểu, kể từ khi cầu Tà Lài được đầu tư làm cầu bê tông kiên cố, đã tạo sự khác biệt lớn trong cách nghĩ, cách làm của bà con đồng bào dân tộc.
Cầu Tà Lài (với chiều dài hơn 174 mét, gồm 5 nhịp, chiều rộng cầu là 8 mét với 2 làn xe, có tải trọng 30 tấn) khánh thành cách đây 2 năm đã thực sự đem lại niềm vui lớn cho người dân xã Tà Lài, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ ở ấp 4, bởi đây là con đường duy nhất để họ giao thương hàng hóa và đưa con em đến trường.
Để giảm nghèo bền vững cho Châu Mạ (nhóm dân tộc thiểu số đông nhất ở Tà Lài), chính quyền tỉnh Đồng Nai và huyện Tân Phú đã xác định cần đầu tư hạ tầng nhằm ổn định cuộc sống cho họ, từ việc làm cầu bê tông cho đến các dự án khu tái định cư, làng dân tộc, các công trình hạ tầng nông thôn như: Điện, đường, trường, trạm…được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Theo UBND huyện Tân Phú, việc kết nối thông thương cho vùng Tà Lài bằng những công trình trọng yếu với sự quyết tâm rất cao. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn ở xã Tà Lài từng bước thay đổi, chất lượng cuộc sống bà con dân tộc thiểu số người Châu Mạ cũng được nâng lên rõ rệt.
Như chia sẻ của ông K’Yểu thì việc đi lại thuận lợi nhờ cầu đường kiên cố, không còn khó khăn như trước nên bà con dân tộc thiểu số trong xã rất phấn khởi, yên tâm ổn định công việc làm ăn.
Nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì xã Tà Lài luôn chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Châu Mạ, giảm nghèo bền vững như chú trọng xây dựng mô hình hợp tác sản xuất, có hiệu quả kinh tế.
Do nghề nghiệp chủ yếu của bà con Châu Mạ ở Tà Lài vẫn là sản xuất nông nghiệp (chiếm 90% dân số) nên công tác khuyến nông đối với họ được xem là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo.
HTX giúp nghề chăn nuôi
Vì vậy, chính quyền huyện Tân Phú thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đồng thời hỗ trợ giống, phân bón cho bà con Châu Mạ ở Tà Lài ổn định cuộc sống.
![]() |
Nghề chăn nuôi dê giúp bà con dân tộc Châu Mạ hoát nghèo một cách bền vững, lâu dài. |
Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho đồng bào Châu Mạ đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Nhất là tại ấp 4, nơi tập trung đông nhất đồng bào Châu Mạ ở xã Tà Lài, vốn từng là ấp đặc biệt khó khăn. Cho nên chính quyền tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình, đề án về chăn nuôi, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào Châu Mạ vươn lên phát triển kinh tế từng bước ổn định cuộc sống gia đình.
Những năm qua, chính quyền xã Tà Lài đẩy mạnh công tác hỗ trợ, khuyến khích bà con dân tộc Châu Mạ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với các mô hình chăn nuôi heo, bò, gà, địa phương cũng khuyến khích bà con dân tộc “hái ra tiền” với nghề nuôi dê.
Việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng mô hình nuôi dê phát triển kinh tế tại ấp 4 phù hợp với điều kiện tự nhiên và có nhiều thuận lợi vì bà con dân tộc Châu Mạ trong ấp 4 có ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, và họ cũng đã từng bước tiếp cận được tiến bộ khoa học trong sản xuất, chăn nuôi…
Đơn cử như đề án nuôi dê giảm nghèo cho 20 hộ nghèo là dân tộc thiểu số ở ấp 4 xã Tà Lài được triển khai thực hiện từ cách đây 4 năm, giúp cho các hộ người Châu Mạ thoát nghèo một cách bền vững, lâu dài.
Về dê giống (dê mẹ) và dê phối giống (dê đực) thì các hộ dân tộc thiểu số tham gia đề án được HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cung cấp. Các hộ có trách nhiệm duy trì để phát triển đàn dê đúng quy trình chăn nuôi đã được hướng dẫn.
Sau 3 năm, dê giống (dê mẹ, dê đực) và tất cả dê con được đẻ ra thuộc tài sản của các hộ nghèo. Ngoài ra HTX còn phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng chăn nuôi dê cho các thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê ở Tà Lài và phối hợp hỗ trợ và xử lý các vấn đề rủi ro ( bệnh, dịch...) trên đàn gia súc.
Bài 2: Hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng
Thanh Loan