Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Mường ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, ngay từ nhỏ anh Trần Văn Công đã được tiếp xúc, làm quen với cách chăn nuôi truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại địa phương.
Quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình HTX
Sau khi tốt nghiệp THPT, với khát vọng phải làm sao để đồng bào dân tộc mình có thể vừa sản xuất nông nghiệp, vừa kết hợp với chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, ổn định thu nhập, đảm bảo đời sống. Đồng thời, phải thay đổi được phương pháp chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, manh mún. Nghĩ là làm, anh Công nuôi ý chí và khát vọng đó bằng quyết tâm đi làm thuê ở nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để học hỏi kinh nghiệm.
![]() |
Anh Trần Văn Công Giám đốc HTX Tam Xuân (thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên HTX ngày ra mắt. |
Đầu tiên, anh học nghề tại trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian hơn 3 tháng. Do thấy kiến thức học nơi đây không nhiều, sau đó anh tiếp tục tìm đến trang trại chăn nuôi gà tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ 2 năm về chăn nuôi, chuồng trại. Sau đó, anh Công trở về áp dụng kiến thức và kinh nghiệm đã học được để mở trang trại chăn nuôi gà thịt của gia đình.
Nhận thấy kiến thức chưa đủ, anh tiếp tục đến làm thuê và học tập tại trang trại chăn nuôi gà ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Sau thời gian học tập kinh nghiệm thực tiễn, anh Công chính thức trở về quê xây dựng trang trại chăn nuôi gà thịt, đầu tư bài bản và áp dụng kinh nghiệm vào chăn nuôi.
Để bổ sung kiến thức sâu hơn nữa, anh Công đã đăng ký học khóa trung cấp về chăn nuôi thú y tại trường Trung cấp nghề tỉnh Vĩnh Phúc thời gian 2 năm. Sau khi hoàn thiện khóa học trở về, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, năm 2019 anh Công đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tam Xuân (xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) với ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn, dê và buôn bán thức ăn chăn nuôi. Ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, HTX do anh làm chủ đã có 28 thành viên tham gia, tất cả đều là bà con dân tộc Mường.
Thay đổi tư duy chăn nuôi cho đồng bào
Cũng từ năm 2019, dưới sự hỗ trợ của HTX và trực tiếp từ anh Công, hầu hết các hộ dân địa phương, trong đó phần lớn là người dân tộc Mường không còn chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, tự cung, tự cấp mà đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại.
![]() |
Với 28 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 4 tỷ đồng, đến nay HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho 12 lao động. |
Điều phấn khởi là sau khi tham gia vào HTX, nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư để xây dựng chuồng trại quy mô hơn, chủ động về kiến thức phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. HTX Tam Xuân còn cung cấp các dịch vụ chăn nuôi, hỗ trợ thành viên và người dân địa phương.
Điển hình như các anh Trần Quốc Hảo, Phùng Thanh Hùng, Nguyễn Văn Hưng ở khu 2, xã Xuân Viên. Trước đây gia cảnh khó khăn, khi tham gia vào HTX, được hỗ trợ kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm nên đã có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà ở kiên cố, thoát khỏi nợ nần.
Ngoài ra, nhiều gia đình thành viên HTX trước đây vốn là hộ nghèo, nhưng đến nay, sau hơn 2 năm tham gia vào HTX, quy mô chăn nuôi đã được mở rộng, thu nhập ổn định, thoát khỏi danh sách hộ nghèo tại địa phương.
“Chúng tôi rất phấn khởi vì chàng trai 9x Trần Văn Công của HTX Tam Xuân đã trở về quê hương lập nghiệp và thổi “luồng gió mới”, làm thay đổi tư duy và phương pháp hoạt động chăn nuôi của bà con dân tộc Mường nơi đây”, anh Trần Quốc Hảo nói.
Với 28 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 4 tỷ đồng, đến nay HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho 12 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu/người/tháng. Tính bình quân trong 4 năm hoạt động, doanh thu của HTX đã đạt trên 20 tỷ đồng/năm, thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm.
Rõ ràng, mô hình nuôi gà của HTX Nông nghiêp Tam Xuân đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế của huyện miền núi Yên Lập, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Mường sinh sống, sản xuất. Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ với số lượng ngày càng nhiều, qua đó giúp nhiều hộ dân là thành viên của HTX đã thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Bài 2: Đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động
Phạm Duy