Trên địa bàn huyện có nhiều địa phương tích cực phát triển kinh tế hợp tác, đơn cử như xã Mường Hung. Thời gian qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng, với nhu cầu của bà con; thi đua “Tích cực giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Điểm sáng ở Mường Hung
Ông Quàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mường Hung chia sẻ, đồng bào dân tộc thiểu số không còn ỷ lại vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước mà chủ động khai thác lợi thế địa phương, phát triển kinh tế tăng thu nhập; khai hoang, cải tạo đồng ruộng, canh tác đa dạng cây màu và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hiện, toàn xã có 600 ha cây ăn quả các loại, 200 ha lúa; 100% bản có đường giao thông đi lại được 4 mùa; 25 bản có nhà văn hóa; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
![]() |
Hỗ trợ, tập huấn kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số canh tác sản xuất. |
5 năm qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn xã Mường Hung đạt hơn 194 tỷ đồng, triển khai xây dựng 18 công trình với tổng số vốn đầu tư 36,1 tỷ đồng. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã hiến đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công tham gia đổ bê tông 18 tuyến đường nội bản, tu sửa 4 tuyến đường liên bản với tổng chiều dài 20 km.
Nét nổi bật, UBND xã Mường Hung đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, vận động HTX, người dân chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc. Tiêu biểu như HTX Thành Công, ở bản H8, hiện có 15 ha nhãn trái vụ, bưởi, cam trồng đan xen. Gia đình anh Lia A Phia, bản Huổi Bua, đầu tư trồng 1 ha cam, bưởi, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng...
Hay đến bản Nà Lứa thăm mô hình trồng nhãn, ổi xen bưởi có hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới béc phun của gia đình anh Quàng Văn Hính. Anh Hính chia sẻ: Gia đình anh có 4 ha, trong đó 2 ha nhãn, mỗi năm cho thu hoạch 2 tấn nhãn chín sớm, 15 tấn nhãn chính vụ; 1 ha bưởi da xanh năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch; tận dụng khoảng đất trống giữa các hàng cây bưởi trồng 200 gốc ổi.
Để giảm công tưới cho cây, gia đình đầu tư hơn 300 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây nhãn và 660 đầu béc phun cây bưởi và ổi. Ngoài ra, gia đình mới trồng thêm 900 gốc xoài Đài Loan. Tổng thu nhập gia đình gần 400 triệu đồng/năm. Anh Hính đang hướng tới thành lập HTX với 21 thành viên.
Ông Quàng Văn Long cho biết thêm: Quyết tâm đưa Mường Hung đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2024, xã đã xác định rõ giải pháp, đề ra tiến độ, tiêu chí cụ thể thực hiện theo từng năm. Theo đó, mục tiêu thành lập HTX sẽ được đẩy mạnh.
Phát triển 'hạt nhân' trong chuỗi
Những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, song kinh tế của huyện Sông Mã vẫn phát triển tương đối ổn định, công tác xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt được kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Sông Mã tiếp tục khẳng định thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo nguồn lực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.
![]() |
Liên kết sản xuất để đưa nông sản Sông Mã tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. |
Trước những thành quả đạt được, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Sông Mã cho biết nhiệm vụ trong thời gian tới mà Đảng bộ huyện Sông Mã đề ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, trong đó HTX, doanh nghiệp sẽ là "hạt nhân" của chuỗi.
Đồng thời, mục tiêu của huyện Sông Mã là tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm; đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm; thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; ổn định đời sống nhân dân tại các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội còn đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, phát triển vùng kinh tế của huyện gồm vùng dọc Sông Mã và quốc lộ 4G (các xã: Mường Sai, Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Yên Hưng, Mường Lầm và thị trấn Sông Mã) là vùng kinh tế động lực. Tạo lập vùng nguyên liệu tập trung, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Vùng cao (các xã: Mường Cai, Huổi Một, Nậm Mằn, Bó Sinh, Pú Bẩu, Đứa Mòn, Chiềng En, Chiềng Phung, Nậm Ty) là vùng sản xuất để ổn định và nâng cao dần đời sống của nhân dân; tập trung các nguồn lực cho trồng rừng, phát triển cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc tập trung.
Để xây dựng chuỗi giá trị, các HTX ở huyện Sông Mã sẽ tập trung sản xuất duy trì các nhãn hiệu đã được bảo hộ, tăng cường chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện Sông Mã cũng hướng tới đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX để tạo thành chuỗi liên kết vững chắc. Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thy Lê