Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nà Nghịu gặp không ít khó khăn bởi xuất phát điểm thấp, lại nằm trong vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra hạn hán của huyện Sông Mã, nên việc canh tác cây lương thực hay bị mất mùa. Giao thông chủ yếu là đường đất, gây khó khăn cho việc đi lại và phát triển kinh tế.
Tạo sức bật vượt “chướng ngại vật”
Tuy nhiên, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã tập trung huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí. Trong đó, huy động nhân dân đóng góp trên 4,8 tỷ đồng, hiến gần 3.000 m² đất, hơn 5.000 ngày công tu sửa, làm mới 42 tuyến đường bê tông tại 11 bản với chiều dài gần 10 km; hỗ trợ xây dựng 14 nhà văn hóa bản cùng nhiều công trình thiết yếu khác.
Đến nay, xã có gần 10 km đường liên bản, liên xã được bê tông hóa; 6 phai thủy lợi, 8 kênh mương với chiều dài gần 18 km được cứng hóa, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho gần 70 ha lúa 2 vụ; 4 tuyến đường giao thông liên bản còn lại đang được thi công với chiều dài 31 km.
Trong sản xuất, xã Nà Nghịu đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế khi chuyển từ diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao như rau màu ngắn ngày, cây ăn quả.
Chị Cà Thị Thu - một người dân trong xã chia sẻ, chị đã thử trồng ngô trên 500 m2 đất của gia đình. Tuy nhiên, do hạn hán, thiếu nước nên ngô không thể nảy mầm. Được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, vận động chuyển đổi sang trồng dưa, nhờ đó gia đình có thu nhập ổn định.
Để chuyển đổi sản xuất, xã tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Người dân cũng đẩy mạnh cải tạo đất đai, vườn cây ăn quả, lai ghép nhãn, xoài, trồng cà phê, nuôi ong, chăn nuôi trâu, bò, dê... để nâng cao giá trị kinh tế.
![]() |
Chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày giúp giải quyết bài toán thiếu nước trong sản xuất. |
Hiện, nông dân xã đang tập trung canh tác trên 3.457 ha đất nông nghiệp, sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt gần 10.000 tấn; duy trì phát triển gần 19.500 con gia súc, hơn 142.000 con gia cầm; trồng 1.131 ha cây ăn quả (799 ha nhãn ghép). Xã có 13 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp... Tổng giá trị sản xuất hàng hóa đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh với mức trung bình 4,3%/năm.
Đến nay, Nà Nghịu đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khai thác triệt để các tiềm năng, thế mạnh và tăng cường xã hội hóa trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó là phát triển và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Xã quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2021.
Phát huy thế mạnh cây ăn quả
Tận dụng diện tích đất dốc cùng với chủ trương của tỉnh về phát triển diện tích cây ăn quả, người dân tích cực chuyển đổi cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng một số loại cây thế mạnh. Đến nay, xã Nà Nghịu đứng đầu huyện về diện tích vườn cây ăn quả với khoảng 1.142 ha, bao gồm những loại cây trồng chủ lực, như: nhãn, xoài, na…
Đi đầu là HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (bản Tây Hồ). Để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, các thành viên chuyển đổi diện tích sang trồng nhãn ghép, xoài lai, bưởi Diễn, cam Vinh... theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, HTX thu hút 15 thành viên, sản xuất 50 ha cây ăn quả, sản lượng quả các loại đạt trên 400 tấn/năm. HTX cũng kết nối được với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu hoa quả, các HTX, hộ sản xuất trên địa bàn để tạo thành chuỗi giá trị bền vững.
![]() |
Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa giúp nâng cao giá trị kinh tế. |
Niên vụ 2019, HTX thu hoạch gần 300 tấn nhãn quả, 80 tấn xoài, 5 tấn bưởi, cam. Trong số này đã xuất khẩu chính ngạch thông qua Công ty Rau quả Việt Nam 15 tấn nhãn quả, 20 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc; trên 200 tấn được tiêu thụ tại các siêu thị và thị trường trong nước... thu về gần 3 tỷ đồng, đạt bình quân 200 triệu đồng/thành viên.
Từ những thành công đã đạt được, HTX tiếp tục tạo điều kiện để các thành viên tiếp cận những kỹ thuật mới, làm thay đổi tập quán trồng trọt nhỏ lẻ, phân tán sang thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Mong muốn của HTX là tiếp tục thu hút được người dân tham gia sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Hiện nay, các thành viên HTX tiếp tục được địa phương hỗ trợ về giống, kỹ thuật cải tạo vườn tạp để mở rộng sản xuất nhằm nâng cao đời sống và chung tay xây dựng NTM.
Như Yến