Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, HTX hình thành và phát triển theo xu thế tự nguyện, bộ máy gọn nhẹ và kinh doanh đa ngành. Với các ngành nghề chủ đạo là nông lâm nghiệp và thủy sản, các HTX ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Kinh tế hợp tác đang được huyện Định Hóa chú trọng phát triển nhằm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Tày nói riêng và của người dân nói chung.
Trụ cột phát triển "tam nông"
Chính vì vậy, huyện đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Tày xây dựng và phát triển các tổ hợp tác, HTX. Đến nay, huyện có 41 HTX, trong đó 60% số thành viên của các HTX là đồng bào dân tộc Tày. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp dịch vụ và thương mại Saemaul xóm Tổ; HTX chăn nuôi dịch vụ thương mại, tổng hợp Dương Hồng; HTX nông sản Phú Đạt; HTX nông sản sạch xã Phượng Tiến; HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1.
Các HTX này hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu về nông nghiệp - lĩnh vực phù hợp với điều kiện của huyện miền núi Định Hóa. Chính vì vậy, địa phương cũng có nhiều chính sách khuyến khích các HTX vay vốn theo định mức, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng theo nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới…
![]() |
HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 tham gia hội chợ để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm chè. |
Chị Đàm Thị Trâm, thành viên HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 cho biết, chị và thành viên đã được địa phương và một dự án từ Hàn Quốc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, máy móc phục vụ trồng và chế biến chè an toàn theo hướng hàng hóa…, nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn. Đặc biệt, có hộ thu nhập đến 300 triệu đồng/năm nhờ trồng chè.
Hoạt động hiệu quả của HTX Phú Nam 1 và của một số HTX khác không những góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa, mà còn gắn với quá trình triển khai thực hiện những chương trình, dự án phát triển cộng đồng như xây dựng NTM, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Chú trọng xây dựng HTX điểm
Là huyện miền núi, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tú, những năm gần đây, Định Hóa đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với những mô hình HTX nông nghiệp và coi đây là lĩnh vực quan trọng trong nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, trong đó có người Tày.
Theo đó, huyện đã dành nhiều ưu tiên để hỗ trợ đồng bào dân tộc Tày, các HTX trong chế biến, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch.
Anh Hoàng Đình Lập, Giám đốc HTX Nông sản an toàn ATK Định Hóa chia sẻ, sản xuất kinh doanh theo mô hình HTX tốt hơn nhiều so với làm ăn cá thể. Người Tày vốn có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên khi tập hợp thành một khối sẽ phát huy được những điểm mạnh, hạn chế được những điểm yếu. Ngoài ra còn được địa phương tạo điều kiện xây dựng nhà lưới, tham gia hội thảo, xúc tiến thương mại…
“Chúng tôi cùng nhau tìm thị trường, cùng nhau sản xuất, cùng nhau bán sản phẩm, cho nên thống nhất được giá thành rất ổn định. Bên cạnh đó, làm việc trong HTX còn có tư cách pháp nhân nên có thể ký được những hợp đồng lớn hơn”, anh Hoàng Đình Lập cho biết.
![]() |
HTX nông sản sạch xã Phượng Tiến đang thu hút các hộ đồng bào dân tộc Tày tham gia sản xuất. |
Hiện nay, những đóng góp của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện là rất quan trọng, không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mà còn giúp những người dân là đồng bào dân tộc dần tiếp cận với phương thức sản xuất mới. Ngoài ra, còn tạo dựng tinh thần tương thân - tương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình điểm về HTX để làm sao thu hút được đồng bào dân tộc Tày tham gia phát triển theo hướng bền vững, tạo thu nhập cho người dân và các thành viên.
Ông Nguyễn Minh Tú cũng cho biết, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa đã được đầu tư nhiều chương trình, hưởng chính sách để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Tày vì đây là lực lượng động đảo, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương.
Với sự chung sức của người dân là đồng bào dân tộc Tày, huyện Định Hóa đã có sự đổi thay rõ rệt. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, các trường học, trạm y tế được xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân, từ đó thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trung bình 3,8%/năm.
Tùng Lâm