Bà Hoàng Thị Đà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết, những năm qua, các ban ngành chức năng của huyện, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, giúp lực lượng lao động nữ trên địa bàn nâng cao trình độ sản xuất, đổi mới tư duy, liên kết giúp nhau phát triển kinh tế.
Điểm sáng ở Khuổi Khon
Gần 10 năm qua, được cấp ủy, chính quyền xã và huyện quan tâm, khuyến khích bảo tồn văn hóa dân tộc Lô Lô, chị Chi Thị Duyên, bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc, đã cùng dân bản đem những bài dân ca dân tộc Lô Lô quen thuộc đi biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc và chợ tình phong lưu.
![]() |
Nghề dệt truyền thống ở Khuổi Khon có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. |
Đặc biệt, nhận thấy các bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô rất được khách du lịch yêu thích, chị Duyên đã liên kết các hộ trong bản thành lập Tổ hợp tác thêu, dệt vải may áo quần dân tộc Lô Lô bản Khuổi Khon, vừa để may quần áo truyền thống cho dân bản mặc, vừa để phục vụ nhu cầu thị trường.
Theo chị Duyên - hiện đang là Tổ trưởng tổ hợp tác, trước đây người Lô Lô tại địa phương chỉ dệt thủ công, số lượng hạn chế, đủ phục nhu cầu may mặc trong gia đình. Kể từ năm 2010 đến nay, khi những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, hoạt động du lịch ở Bảo Lộc ngày càng sôi động, nghề dệt truyền thống dần có cơ hội để phát triển.
Việc liên kết thành lập tổ hợp tác giúp các thành viên, 100% là phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ, ứng dụng các khung cửi hiện đại hơn, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, có độ bền cao, hấp dẫn du khách khi đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Khuổi Khon.
Không chỉ đơn thuần là dệt quần áo, để nâng cao giá trị sản xuất, thành viên Tổ hợp tác Khuổi Khon còn đa dạng sản phẩm với các loại túi xách, vỏ chăn, vỏ gối, mũ, ví thổ cẩm… có nhiều kích thước, mẫu mã bắt mắt, giá cả tùy vào độ tinh xảo, qua đó chinh phục nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
“Sự chủ động trong nâng cao trình độ, cải tiến mẫu mã, chất lượng giúp sản phẩm của Tổ hợp tác được khách du lịch đánh giá rất cao, đặc biệt là du khách nước ngoài. Cùng với sản xuất, chúng tôi còn cung cấp dịch vụ trải nghiệm dệt, thêu cho du khách, qua đó tăng thêm nguồn thu nhập”, chị Duyên cho hay.
Nhờ kết hợp hiệu quả giữa sản xuất sản phẩm văn hóa truyền thống và hoạt động du lịch cộng đồng, Tổ hợp tác Khuổi Khon đã tạo công việc ổn định cho chị em thành viên, với thu nhập bình quân 3,5 - 6 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so trước đây.
Thêm nguồn lực hỗ trợ
Không chỉ liên kết làm giàu trong các HTX, tổ hợp tác, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bảo Lạc còn thành công với mô hình sản xuất tự thân.
![]() |
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. |
Điển hình như chị Tô Thị Lương, xóm Nà Xiên, xã Bảo Toàn, với mô hình chăn nuôi vịt siêu trứng. Xây dựng mô hình từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ xã, đến nay chị sở hữu gia trại quy mô hơn 200 con, bình quân mỗi ngày cho hơn 130 quả trứng. Với giá bán dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/quả, trừ chi phí, chị Lương thu về gần 300.000 đồng lợi nhuận/ngày.
Kể từ năm 2018, để nâng cao thu nhập, chị Lương còn nuôi thêm vịt thịt, lợn thịt, gà thịt, mỗi năm xuất chuồng 4 lứa vịt, 2 lứa gà và 2 lứa lợn. Sản xuất ổn định giúp gia đình chị đảm bảo lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.
Hay như mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp bán tạp hóa của chị Lãnh Thị Lụa, xóm Thua Tổng, xã Trường Xuân, cũng đang cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.
Chị Lụa cho biết, những năm trước, gia đình chị là một trong những hộ khó khăn của xóm, thu nhập chỉ nhờ vào một vụ lúa, ngô.
Đến khi phong trào thi đua "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" của huyện được phát động, chị được tham dự các lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán…, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, phát triển sản xuất, đưa kinh tế gia đình trở nên khấm khá.
Hàng loạt gương sáng phụ nữ vượt khó làm giàu cho thấy các chính sách hỗ trợ của huyện Bảo Lạc đang đi đúng hướng. Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, kể từ năm 2016 đến nay, có 147/286 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo; 30% trong số đó vươn lên khá giả với thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm.
Tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, các ban ngành chức năng của huyện, với chủ lực là Hội Liên hiệp phụ nữ, sẽ đẩy mạnh khảo sát để nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của lực lượng lao động nữ để đề ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Huyện cũng chủ động phối hợp xây dựng, phát huy hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, tạo điểm tựa cho phụ nữ các địa phương liên kết, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, từ đó gia tăng thu nhập.
Hưng Nguyên