Điển hình là anh Hoàng Đình Lập (sinh năm 1992), thanh niên dân tộc Tày đã mạnh dạn từ bỏ công việc ở thành phố về quê thành lập HTX Nông sản an toàn ATK Định Hóa ở xã Phượng Tiến.
Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Anh Lập cho biết, Thái Nguyên vốn là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển mô hình kinh tế tập thể, nên nếu lựa chọn HTX để khởi nghiệp sẽ giúp anh có cơ hội được học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhiều người thành công, những mô hình kinh tế tiêu biểu đi trước.
Để tối ưu hóa sản xuất, HTX áp dụng trồng dưa lê, dưa lưới, rau quả ứng dụng công nghệ cao. Mô hình được thiết kế xây dựng nhà mái che gồm: chân cột thép mạ kẽm, cung vòm bằng thép, hệ thống cọc ghim, trụ đỡ, nẹp mái, hệ thống giằng đỡ, mái vòm lợp bằng nilon chuyên dụng. Nhà màng được thiết kế theo công nghệ mới với 2 mái che tạo khoảng trống đối lưu, xung quanh được quây bằng lưới chắn côn trùng, bên trong có hệ thống tưới phun tự động.
Trước khi bắt tay vào sản xuất, các thành viên HTX tiến hành cải tạo đất. Một số công đoạn do thành viên tự thiết kế và mua thiết bị, vật tư về lắp đặt nên chi phí đầu tư giảm khoảng 50% so với thị trường.
![]() |
Khu vực nhà màng của HTX. |
Hiện, HTX lắp đặt 2 khu nhà lưới tổng diện tích trên 8.000m². HTX cũng là đơn vị sản xuất nông sản an toàn với diện tích khoảng 2ha, lớn nhất huyện nên rất được quan tâm. Năm 2019, huyện Định Hóa đã hỗ trợ HTX làm nhà lưới trị giá 500 triệu đồng.
Ứng dụng công nghệ nông nghiệp hiện đại trong nhà màng, các thành viên HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng các loại rau quả. Theo anh Lập, đầu tư sản xuất an toàn theo công nghệ mới rất phù hợp với sản xuất nhiều loại rau khác nhau, đặc biệt là trồng các loại rau củ quả vì có thể khắc phục được các yếu tố bất lợi cho sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, anh Lập phải đi thuyết phục từng hộ, vận động bà con tham gia HTX, đi đầu về thay đổi phương thức canh tác cây trồng, tạo ra sản phẩm có thương hiệu an toàn. Đến nay, HTX đã thu hút được 8 thành viên đều là người dân tộc Tày tham gia sản xuất trên tổng diện tích 2ha.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, năng suất và chất lượng nông sản đều đảm bảo, hiệu quả hơn gấp đôi so với trồng ngoài điều kiện tự nhiên.
Hiện, sản phẩm của HTX được đưa vào một số cửa hàng nông sản sạch và nhiều đầu mối tiêu thụ lẻ. Dù bán với giá khá cao so với thị trường: dưa chuột 25.000 đồng/kg, dưa lê 30.000 đồng/kg…, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua.
Tạo niềm tin cho người dân
Theo chia sẻ của Giám đốc Hoàng Đình Lập, sau khi học đại học, anh đã có thời gian làm việc cho một số trang trại có tiếng về sản xuất rau quả sạch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc nên có chút ít kinh nghiệm. Với mong muốn làm giàu trên quê hương, anh quyết định về quê thành lập HTX sản xuất nông sản sạch.
Điều đặc biệt là mô hình HTX phù hợp với trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc Tày, nếu người dân tham gia có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. “Mô hình HTX cũng đang được Nhà nước định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn, nên tham gia HTX là hướng đi hoàn toàn đúng”, anh Lập nhận định.
Sau những kết quả đã đạt được, anh và các thành viên đều nhận thấy triển vọng của công tác sản xuất rau quả sạch thông qua mô hình HTX. Theo tính toán của anh Lập, mỗi vụ, HTX thu hoạch khoảng 6 tấn dưa chuột bao tử, 3 tấn dưa hấu, 10 tấn dưa lê, 1 tấn dưa lưới, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 5-7 lao động thời vụ.
![]() |
Giám đốc Hoàng Đình Lập kiểm tra khu vực nhà màng. |
Ở xã Phượng Tiến, bà con ai cũng trông đợi ngày nhìn thấy thành quả của HTX, bởi đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao mới mẻ trên địa bàn. Cũng trên diện tích đất này, nếu trồng ngô, lạc theo hướng canh tác truyền thống thì chỉ thu được khoảng 30-40 triệu đồng/năm hoặc nếu bỏ hoang thì rất lãng phí đất, gây thoái hóa. Nhưng nay, với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, HTX có thể thu được tiền tỷ và chỉ sau 2 năm là có thể thu hồi vốn và có lãi.
Tuy nhiên, theo anh Lập, để cạnh tranh trên thị trường, còn rất nhiều việc phải làm. Muốn mở rộng diện tích, làm mô hình cần rất nhiều vốn, kiến thức khoa học và quyết tâm làm kinh tế, không phải hộ nông dân nào cũng có đủ khả năng. Chính vì vậy, ngoài những giống cây đang có, HTX cũng đang trồng thử nghiệm thêm một số giống cà chua bi theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của từng nông hộ.
Song song với sản xuất một số loại rau quả, HTX cũng đứng ra thu mua nông sản cho thành viên và các hộ dân theo giá ổn định, đồng thời cung cấp giống, phân bón vật tư nông nghiệp và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng... để người dân nâng cao kỹ năng, thích ứng với nhu cầu thị trường.
Bài cuối: Kinh tế hợp tác tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
Tùng Lâm