PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN CAO NGUYÊN MỘC CHÂU
Một trong những địa phương phát triển du lịch hiệu quả ở Mộc Châu chính là xã Tân Lập. Thời gian qua, xã đã chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, sau đó làm nền tảng thu hút khách du lịch.
Lợi thế du lịch cộng đồng
Theo UBND huyện Mộc Châu, Tân Lập có 9.055 nhân khẩu, trong đó 4.503 người Thái, 1.977 người H'mông, 550 người Dao, còn lại số ít là người Tày, Mường, Giáy, LaHa và Kinh tập trung cư trú ở 18 bản.
Những đồi chè xanh mướt được tạo hình độc đáo chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến Tân Lập. Du khách đến tham quan sẽ được tham gia các hoạt động lao động sản xuất cùng người dân tại địa phương như trồng chè, hái chè, sao chè, thưởng thức chè, nấu những món ăn của dân tộc Thái, Dao, H'mông...
Nhận thấy thế mạnh của vùng đất này, đã có doanh nghiệp tại Hà Nội đứng ra liên kết với HTX chè bản Dọi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Trong mối liên kết này, doanh nghiệp sẽ góp vốn đầu tư xây dựng nhà sàn, hướng dẫn thành viên HTX nấu ăn, làm du lịch, còn thành viên HTX và người dân góp đất, cung cấp sức người, áp dụng kỹ thuật sản xuất chè…
![]() |
Những đồi chè là điểm nhấn thu hút khách du lịch ở xã Tân Lập. |
Bên cạnh việc cung cấp một số dịch vụ du lịch, một số sản phẩm nông nghiệp tại địa phương cũng rất được du khách ưa thích. Tiêu biểu như việc người dân trồng, chế biến chè và hướng dẫn khách thưởng thức chè thủ công đã trở thành nét đẹp hiếm có. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, HTX chè bản Dọi đầu tư sản xuất các loại chè Kim Tuyến, Bát Tiên, Shan Tuyết. Ngoài chè, thuốc nam của người Thái cũng được khách du lịch ưu tiên lựa chọn.
Với lợi thế hiểu biết về văn hóa, không ít người dân ở Tân lập đã được doanh nghiệp lựa chọn làm hướng dẫn viên du lịch. Doanh nghiệp cùng liên kết với các cấp ngành của huyện Mộc Châu mở các lớp học ngoại ngữ ngắn hạn cho người dân tham gia hoạt động du lịch để từng bước nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng. Nhờ thế mà khi đến Tân Lập, chuyện người dân biết nói tiếng Anh là chuyện không còn hiếm.
Tân Lập chỉ là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Mộc Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng đến nay, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với phát triển du lịch cộng đồng giúp họ có thêm việc làm, từng bước nâng cao thu nhập. Hiện, trung bình mỗi hộ làm du lịch có thể thu về 60-80 triệu/năm, chưa kể việc bán sản phẩm nông nghiệp.
Cơ hội từ du lịch nông nghiệp
Cùng với du lịch cộng đồng, hiện nay du lịch nông nghiệp tại Mộc Châu đang dần thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên trong lành với những mô hình sản xuất nông sản tươi, sạch. Tiêu biểu cho hướng đi này chính là HTX du lịch bản Áng (xã Đông Sang) đang đẩy mạnh phát triển sản xuất rau an toàn đi liền với liên kết cùng doanh nghiệp phát triển các tour du lịch theo hướng chuyên nghiệp.
Đặc biệt, thành viên của HTX chủ yếu là những người phụ nữ Thái, nhưng từ khi tham gia HTX đã khẳng định được vai trò của mình trong việc nâng cao thu nhập gia đình, phát triển kinh tế cũng như lưu giữ những giá trị truyền thống của địa phương.
Tận dụng thế mạnh từ những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và những giá trị văn hóa cộng đồng, trung bình mỗi năm, huyện Mộc Châu thu hút gần 500 nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm.
![]() |
Các chàng trai, cô gái Thái tập văn nghệ phục vụ khách du lịch. |
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại Mộc Châu đang góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Với những giá trị không hề nhỏ, huyện Mộc Châu đang tích cực phát huy những tiềm năng lợi thế về du lịch tại địa phương. Cụ thể là tập trung đầu tư hạ tầng, tôn tạo và quản lý hiệu quả các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện như: Hang Dơi, Chùa Vặt Hồng, trại bò mẫu Dairy Farm, thác Dải Yếm, vườn hoa, đồi chè... đồng thời tạo điều kiện để HTX phát triển.
Bên cạnh đó, huyện còn liên kết với các dự án trong và ngoài nước như: dự án hỗ trợ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, dự án chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi… nhờ đó tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương phát triển sản xuất.
Bài 4: Tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác, HTX
Như Yến