Không phủ nhận chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, thế nhưng ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt quan trọng là Trung Quốc, vẫn còn nhiều lô hàng bị trả về.
Thị trường Trung Quốc trả hàng tăng đột biến
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, trong 3 tháng đầu năm, số lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về tăng đột biến. Cụ thể, đã có 15/40 lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm bị trả về. Trong khi thống kê cả năm 2020, thị trường Trung Quốc chỉ có 6/14 lô hàng bị trả về.
![]() |
Ngành thủy sản phải xử lý dứt điểm tình trạng nhiễm bệnh, tồn dư kháng sinh. |
Thời gian gần đây, phía Trung Quốc còn cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm của Việt Nam dù đã xử lý nhiệt nhưng lại bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, virus đốm trắng.
Ngoài thị trường Trung Quốc, một số quốc gia nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam liên tục có những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đơn cử, thị trường Hàn Quốc yêu cầu các sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của nước này thì sẽ được miễn kiểm dịch. Nhưng theo quy định của Hàn Quốc thì thời gian xử lý nhiệt dài lại gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm như yếu tố màu sắc, mùi vị.
Cùng với đó, Hàn Quốc đã bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài, dạng sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào nước này phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thực hiện quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu này từ ngày 1/8 năm nay.
Tuy nhiên, chia sẻ với VnBusiness, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước bày tỏ mong muốn thị trường Trung Quốc đưa ra những quy định siết chặt hơn về việc nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản trong nước tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, kiểm soát từ đầu vào cho tới đầu ra. Có như vậy, thủy sản Việt Nam mới không còn bị mang tiếng là tồn dư kháng sinh hay nguồn gốc nhập nhèm, thậm chí bị hạ giá.
"Làm theo tiêu chuẩn sẽ giúp thuỷ sản Việt Nam có thể xuất khẩu tới bất cứ thị trường nào trên thế giới, tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết", ông Lĩnh nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt quy trình sản xuất
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng 7 triệu tấn, sản lượng khai thác 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang phấn đấu đạt vị trí thứ 3 trong xuất khẩu thủy sản của thế giới. Mặc dù năm 2020 đã xuất khẩu được 8,6 tỷ USD tới trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng nhiều thị trường đang áp dụng rào cản kỹ thuật phòng vệ thương mại nên chúng ta phải đáp ứng theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần gắn chặt hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị. Đặc biệt là nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản.
"Những năm qua, chúng ta vẫn còn có những lô hàng bị trả về do chưa kiểm soát chặt chẽ được môi trường nuôi hoặc vấn đề tồn dư kháng sinh, nhiễm bệnh. Vừa qua, thị trường Trung Quốc trả lại một số lô tôm do nhiễm bệnh là cảnh báo để ngành thủy sản phải thay đổi. Chúng ta cần giải quyết căn bản các vấn đề này, qua đó mới đạt được giá trị xuất khẩu 14-16 tỷ USD như Chiến lược phát triển đề ra", ông Tiến nhấn mạnh.
Trong đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, quan trọng nhất là giải quyết an toàn sinh học theo phương châm "cùng vào cùng ra" - giống, thức ăn, quy trình nuôi phải đảm bảo.
Tổng cục Thủy sản cần báo cáo toàn bộ chế phẩm được phép sử dụng, không để người nuôi trồng sử dụng chế phẩm trái phép, dẫn tới kéo giảm sức cạnh tranh cả cả ngành. Doanh nghiệp phải duy trì vùng an toàn sinh học tốt, đáp ứng được thị trường các nước, truy xuất được nguồn gốc thì mới xuất khẩu được. Doanh nghiệp làm tốt sẽ tạo ra sức lan tỏa ra vùng nuôi trồn lân cận, bởi hộ chăn nuôi, trang trại thấy hiệu quả, giá trị thu về cao thì sẽ làm theo.
"Người Việt Nam rất giỏi, nông sản Việt Nam đến nay đã xuất khẩu tới gần 200 thị trường, vùng lãnh thổ. Thị trường sẽ quyết định quy trình sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản Việt Nam cần tiến tới sản xuất thủy sản theo yêu cầu của từng thị trường", ông Tiến nhấn mạnh.
Thy Lê