Sáng 8/11, báo cáo về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, với các lý do như: để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập...
![]() |
Đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) (Ảnh: Internet) |
Tại Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể.
Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo lần này có khoảng 1/4 số điều của Luật (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi đó có khoảng 15 Điều trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết nay lại được bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi Tờ trình của Chính phủ không giải thích lý do. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ lý do cụ thể.
Về thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm đối với công ty có giao dịch liên kết, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc quy định nộp tờ khai giao dịch liên kết cùng với báo cáo quyết toán thuế năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính là chưa phù hợp với thực tế và không khả thi. Do vậy, đề nghị cần bổ sung trong dự thảo Luật theo hướng “căn cứ vào thời hiệu báo cáo của công ty giao dịch liên kết”.
Về khai bổ sung hồ sơ khai thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị sửa đổi theo hướng, trong vòng 10-15 ngày thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi khai sai nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu, trường hợp sau 10-15 ngày thì phải nộp số bổ sung 20% trên số tiền thuế khai thiếu như cơ quan quản lý thuế phát hiện ra.
Về các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với dự thảo Luật.
Riêng đối với số nợ tiền đất (bao gồm cả tiền sử dụng đất) trên 10 năm đề nghị không nên điều chỉnh nội dung này. Một số ý kiến cho rằng, việc xác định các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi chưa được định lượng rõ ràng, thời gian 10 năm có thể dẫn đến việc lợi dụng, trốn thuế trong khi người nộp thuế vẫn còn tài sản. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt.
Đặc biệt, có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.
Lê Thúy