Ba tháng gần đây, hóa đơn tiền điện nhà chị Phương (Đông Anh - Hà Nội) "tăng trưởng" theo chu kỳ tháng sau cao hơn tháng trước. Kỳ hóa đơn tháng 5, chị chỉ phải trả gần 1 triệu đồng, tháng 6 tăng lên 1,4 triệu đồng và tháng 7 tăng lên 1,6 triệu đồng.
Người dùng có được lợi hơn?
Chị Phương chia sẻ: "Tôi vừa nhận được thông báo tiền điện từ Công ty Điện lực Đông Anh thông báo hóa đơn tiền điện là 1.626.550 đồng mà không khỏi sốc. Cả gia đình chỉ dùng một máy điều hòa, nếu như mùa đông chỉ phải đóng 500.000 tiền điện, trong khi giờ tăng gấp 3 lần. Không biết có phải thất thoát điện năng ở đâu không mà cao đến vậy".
![]() |
Bộ Công Thương tính đến phương án điện một giá (Ảnh: TL) |
Băn khoăn của chị Phương cũng là chia sẻ của nhiều người dùng điện. Bởi vậy, khi biết thông tin Bộ Công Thương đang tính đến phương án một giá điện, không ít ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong tuần này, Bộ sẽ họp rà soát lại và có báo cáo lần cuối, đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay về phương án tính tiền điện.
Mới đây, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện hoặc một giá hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi (sẽ rút gọn từ 6 còn 5 bậc).
Với phương án tính giá điện một giá, bất kể tiêu thụ điện bao nhiêu, các hộ sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá thay vì cách tính luỹ tiến bậc thang (dùng càng nhiều trả tiền càng cao) như hiện nay.
Theo ông Vượng, tính toán ban đầu cho thấy những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh sẽ chọn phương án một giá điện. Trong khi đó, những người sử dụng bình quân dưới 400 kWh, hiện chiếm 70-80% tổng số khách hàng có thể sẽ chọn biểu giá bậc thang do vẫn được hưởng lợi.
"Phương án nào cũng có mặt được và không được, do đó phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động. Với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, những người thu nhập thấp sử dụng dưới 300 kWh vẫn có lợi hơn", ông Vượng nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, GS.TS. Trần Đình Long nhìn nhận, không sớm thì muộn Việt Nam cũng phải tính tới hệ thống điện một giá cho khách hàng sinh hoạt, nhất là khi đang thực hiện lộ trình tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Trên phương diện là người sử dụng điện, ông Long nêu quan điểm cá nhân thích sử dụng cách tính điện một giá để dễ nhớ, dễ tính toán hơn. Tất nhiên, việc sử dụng cách tính giá điện bậc thang là thực hiện chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế sử dụng điện quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới yếu tố xã hội như tài nguyên dùng phát điện, môi trường...
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, áp dụng giá điện một giá đơn giản, dễ áp dụng, dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả các khách hàng cùng một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.
Tuy vậy, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng đưa ra tính toán cụ thể về nhóm khách hàng được lợi và nhóm khách hàng nào chịu thiệt. Theo đó, khoảng 18,6 triệu hộ (chiếm 73,5% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt), tiêu thụ 200 kWh/tháng trở xuống (với sản lượng điện tiêu thụ chiếm 42,3% tổng lượng điện tiêu thụ) sẽ phải trả tiền điện tăng thêm từ 1,98 - 13% (từ 7.400 đồng - 19.000 đồng/hộ/tháng, giá chưa tính VAT) so với trả tiền điện theo giá bậc thang.
Ngược lại, có 6,75 triệu hộ còn lại (chiếm 26,6% tổng số hộ dùng điện, tiêu thụ 57,6% tổng sản lượng điện) sử dụng từ 201 kWh tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện từ 0,8 - 28,79% (từ 56.500 đồng - 767.200 đồng trong dãy từ 201-1.000 kWh/hộ/tháng).
Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, theo ông Thỏa, một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả và cũng sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật Điện lực.
Không nên áp dụng song song hai cách tính
Mặt khác, ông Trần Đình Long cho rằng về chủ trương nên áp dụng phương án điện một giá nhưng vấn đề nằm ở chỗ không nên áp dụng song song với phương án tính giá điện bậc thang.
"Đã là chủ trương là phải nhất quán, không thể triển khai theo kiểu nếu khách hàng muốn có thể chọn bậc thang, còn không sẽ chọn điện một giá. Trên thế giới không ai làm như vậy", ông Long nói.
Do vậy, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khuyến nghị: Bộ Công Thương nên tính toán xem chọn phương án nào thì sẽ chỉ thực hiện phương án đó. Có thể chọn cách tính giá điện theo bậc thang như đề xuất từ 6 bậc xuống 5 bậc, sau đó tiến tới 3 bậc, cuối cùng là 1 bậc. Lộ trình phải triển khai từ từ và tính toán cụ thể sự tác động.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đồng thuận với phương án là chỉ áp dụng một phương án tính giá điện.
Đối với phương án một giá điện, ông Thịnh cho rằng đáp ứng nguyên tắc người dùng nhiều điện trả nhiều tiền, người dùng ít trả ít. Nếu muốn đảm bảo an sinh cho người tiêu dùng điện thấp, Chính phủ có thể cấp tiền hỗ trợ an sinh xã hội thông qua danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, người già neo đơn, gia đình chính sách xã hội mà các địa phương đã có.
"Về phần Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu vi phạm hợp đồng để xảy ra mất điện thì có thể bị khách hàng yêu cầu giải trình, thậm chí bị kiện, phải miễn tiền điện cho khách hàng. Đây là cách công bằng, hợp lý", ông Thịnh chia sẻ.
Đồng thời, nếu không thực hiện phương án một giá điện, ông Thịnh cho rằng có thể rút ngắn bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc. Cụ thể, các bậc được quy định như sau: Bậc 1 dưới 200 kWh, bậc 2 từ 200-400 kWh và bậc 4 trên 400 kWh. Sử dụng điện dưới 200 kWh sẽ hưởng giá rẻ hơn, trên 400 kWh giá cao. Đảm bảo khi tổng hợp lại, giá điện bình quân nằm ở mức trung bình.
"Cá nhân tôi cho rằng nên áp dụng phương án điện một giá thay vì phương án điện bậc thang như lâu nay. Hiện nay, số tiền điện còn phụ thuộc vào ngày ghi chỉ số công tơ tiêu thụ điện. Điều này dẫn tới tình trạng, sớm một ngày thì tiêu thụ điện dừng ở bậc thấp hơn, chậm một ngày đã nhảy sang bậc khác với số tiền điện phải trả cao hơn. Trong khi lâu nay, đa phần người tiêu dùng không thể theo dõi xem lúc nào nhân viên điện lực đi ghi công tơ, ghi muộn cũng không thể kiện", ông Thịnh chia sẻ.
Ông Hoàng Quốc Vượng Thứ trưởng Bộ Công Thương Phương án tính điện một giá ít nhiều ảnh hưởng khiến doanh thu của EVN giảm sút. Song về tổng thể thì dù với phương án nào, tổng doanh thu trên số điện thương phẩm, giá điện thu được cũng bằng giá bình quân của hệ thống điện để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Chúng ta nói áp dụng phương án tính giá điện bậc thang để tiết kiệm điện là đúng. Nhưng việc người dùng sinh hoạt phải trả tiền điện nhiều hơn giá điện bình quân ở những bậc thang cao hơn đang cho thấy bất hợp lý. EVN có nộp phần chênh này cho ngân sách nhà nước để bảo vệ môi trường hay vì mục đích an sinh xã hội khác hay chưa... Nếu chưa, vậy số tiền chênh này đã đi đâu?.
PGS.TS. Ngô Trí Long Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) Việc đưa ra 2 phương án để người dân tùy ý lựa chọn là điều hoàn toàn mới nhưng cái khó là nếu việc lựa chọn trong vòng một năm không được thay đổi có thể khiến các hộ sử dụng điện sinh hoạt khó lựa chọn phương án tối ưu. Ví dụ, chọn phương án một giá điện, mùa hè dùng nhiều điện, người dân được lợi nhưng mùa đông tiêu thụ ít điện hơn thì phải trả giá cao hơn |
Lê Thúy