Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương năm 2020 diễn ra sáng 7/1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành Công Thương, nhất là sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất khẩu, đóng góp quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 - một năm đầy sóng gió.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Bộ Công Thương tập trung triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, nhất là điều hành giá mặt hàng xăng dầu, điện... Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, cộng đồng doanh nghiệp (DN), HTX ngày đêm đã tập trung sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm. Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, xuất siêu đạt kỷ lục...
Đặc biệt, ngành Công Thương đã đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân, nhất là trong giai đoạn cả nước tập trung giãn cách xã hội để đối phó với dịch COVID-19.
Nhắc lại câu chuyện sau khi Việt Nam phát hiện ca COVID-19 ngoài cộng đồng hồi tháng 3, người dân Hà Nội đã lo sợ chạy đi mua tích trữ hàng hóa, Thủ tướng cho biết ngay lúc đó đã điện thoại chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT yêu cầu các siêu thị bán hàng cả đêm để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Đây là sự chỉ đạo cần thiết để chứng minh với người tiêu dùng rằng nguồn hàng Việt Nam phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đánh giá Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (HTX)...
Thủ tướng Chính phủ cũng quyết liệt triển khai hành động cụ thể để chống gian lận xuất xứ, quyết tâm cùng với Hoa Kỳ hướng tới cân bằng cán cân thương mại.
Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng lưu ý ngành Công Thương phải khắc phục những khó khăn như sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp mũi nhọn quốc gia còn thiếu và yếu, đặc biệt là các DN do Việt Nam làm chủ. Ngày càng nhiều DN Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn nằm ở mức giá trị thấp, một số ngành công nghiệp trọng điểm ở một số địa phương đang bị suy yếu... Đặc biệt, nhiều dự án lớn như của PVN, TKV, EVN chưa được khởi công.
Với thương mại, xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu lớn, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, cũng như tính đa dạng hóa thị trường chưa cao. Lợi thế cạnh tranh vẫn dựa trên giá cả. Nhiều quốc sản Việt Nam chưa hiện diện trên bản đồ thế gới. Ví dụ, Sâm Ngọc Linh Việt Nam vẫn quanh quẩn ở trong nước.
Thị trường gần 100 triệu dân chưa được khai thác tốt, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng núi. Hàng gian, hàng giả vẫn tràn lan. Hiện cũng chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị, hàng Việt Nam lép vế so với hàng nhập khẩu trong siêu thị. Bên cạnh đó, công tác quản lý vẫn còn bất cập, chưa phát huy mạnh mẽ đồng bộ, hiệu quả.
Trước thách thức trong năm 2021, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần xây dựng hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tăng năng suất và hiệu quả của ngành. Nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp, lấy khoa học công nghệ là động lực nền tảng cạnh tranh.
Ngành Công Thương cần coi DN là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển của ngành. Tạo điều kiện cho DN, HTX, hộ kinh tế cá thể phát triển. Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp 4.0, hỗ trợ DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành Công Thương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xuất khẩu, phòng chống gian lận thương mại xuất xứ hàng hóa, làm tốt hơn công tác phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh động lực tăng trưởng năm 2021 là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. "Cỗ xe tam mã" này vẫn tiếp tục phát huy trong năm 2021. Theo đó, ngành Công Thương cần phải đẩy mạnh tạo điều kiện để các dự án lớn được triển khai, thu hút tốt dòng đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho phát triển, khơi thông nguồn lực. Đồng thời, triển khai thực thi hiệu quả các FTA, để đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục đổi mới tư duy về xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản thâm nhập thị trường mới...
"Toàn ngành Công Thương lo phục vụ Tết Nguyên đán cho dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng sâu vùng xa. Đồng thời, toàn ngành cũng phải lo chống dịch COVID-19 thật tốt, đảm bảo không cán bộ nào bị mắc dịch COVID-19. Quyết chí xây dựng một Việt Nam hùng cường", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thy Lê