Những ngày cuối năm 2020, C.P Việt Nam đã khánh thành tổ hợp chế biến thịt gà lớn nhất Đông Nam Á tại Bình Phước với mức đầu tư lên tới 250 triệu USD trong giai đoạn đầu. Dự kiến, tổ hợp trên có khả năng chăn nuôi, giết mổ và chế biến 100 triệu con gà mỗi năm. Nếu tổ hợp này chạy hết công suất thì dự kiến chỉ trong vòng 3 năm nữa, tính riêng tổ hợp này đã bằng gần 1/5 tổng đàn gia cầm cả nước.
Doanh nghiệp 'đổ vốn lớn'
Theo ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P Việt Nam, dự kiến trong năm 2021, tổ hợp trên sẽ xuất khẩu (XK) khoảng 5.000 tấn thịt gà sang nhiều thị trường. Về lâu dài, tổ hợp này sẽ tập trung XK vào các thị trường chủ lực là Nhật Bản (dự kiến chiếm khoảng 45% lượng thịt gà XK của công ty), châu Âu (35%), châu Á (10%) và Trung Đông (10%). Dự án kỳ vọng sẽ đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào mảng chế biến của ngành chăn nuôi. |
Có thể thấy, năm 2020, làn sóng vốn đầu tư vào ngành chăn nuôi diễn ra rất mạnh mẽ. Bên cạnh câu chuyện của C.P Việt Nam, phải kể tới dự án của công ty CP Masan Meatlife (Tập đoàn Masan) chính thức đưa tổ hợp chế biến Meat Deli Sài Gòn tại tỉnh Long An trị giá 1.800 tỷ đồng đi vào hoạt động với công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương với 155.000 tấn sản phẩm thịt máy và thịt chế biến từ thịt mát.
Hay như tháng 9/2020, tập đoàn De Heus "bắt tay" cùng Hùng Nhơn hợp tác xây dựng một tổ hợp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: Chọn lọc, sản xuất lợn giống - gà giống; Nhà máy giết mổ lợn tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ... hướng tới XK.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2020, kim ngạch XK chăn nuôi ước đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh khoảng 28,5 triệu USD; thịt và phụ phẩm gia cầm sau giết mổ khoảng 25,1 triệu USD; Trứng gia cầm đã bảo quản hoặc làm chín khoảng 1,4 triệu USD...
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện hệ thống văn bản pháp luật trong ngành chăn nuôi cơ bản đã được hoàn thiện. Năm 2020, ngành này cũng chứng kiến sự gia tăng đầu tư từ các DN lớn. "Tôi tin rằng, tới đây ngành chăn nuôi sẽ chứng kiến những bước phát triển nhanh chóng, không những đáp ứng cho thị trường hơn 90 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn nhắm tới thị trường XK rộng lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN", ông Tiến mong muốn.
Trong năm 2021, ông Tiến cho rằng ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh xây dựng, thu hút các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hiện đại, khép kín, tự động để tối ưu hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm chăn nuôi có giá thành cạnh tranh, chất lượng cao để hướng tới XK, tiếp tục duy trì chăn nuôi trở thành mặt hàng XK đạt kim ngạch tỷ USD của cả nước.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp trực tuyến mới đây với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ông Nghê Nhạc Phong, Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc khẳng định, phía Trung Quốc sẽ chấp thuận thêm một số nhà máy sữa đạt yêu cầu của Việt Nam.
Bên cạnh tổ yến, sữa và sản phẩm sữa, trong năm 2020, một số mặt hàng sản phẩm chăn nuôi khác của Việt Nam cũng đã được phía Trung Quốc xem xét, cam kết tạo điều kiện mở cửa hoặc tăng cường XK sang nước này.
Đẩy mạnh liên kết
Tuy nhiên, tất cả những điều trên vẫn đang ở thì tương lai. Trước mắt, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập mà nếu không có những giải pháp quyết liệt thì những viễn cảnh mà ngành chăn nuôi đặt ra có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng. Đơn cử, một trong những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi là nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, để khắc phục, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành HTX và tăng liên kết với DN, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối.
Đồng thời, DN cũng cần tăng đầu tư vào công nghệ cao, vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất; Cải thiện giống, cải thiện kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh thị trường trong nước, ông Thắng cũng cho rằng các DN cần nghiên cứu, tìm kiếm thị trường ngách thích hợp với năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường EU, CPTPP để sẵn sàng tiếp cận thị trường này khi được cấp phép.
Còn theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin, nếu như giai đoạn trước, ngành chăn nuôi hướng tới sản xuất đủ nhu cầu, thì trong giai đoạn 2020-2030 mục tiêu đặt ra là phải nâng tầm quốc tế, hướng tới chế biến theo chuỗi, XK.
Để hiện thực hóa điều này, ông Lương cho rằng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi là vấn đề lâu nay gần như không được quan tâm. Nếu đặt mục tiêu XK sản phẩm chăn nuôi thì phải khuyến khích nghiên cứu để chủ động được các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho ngành chăn nuôi.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, trên bàn ăn giá trị sản phẩm chăn nuôi lớn hơn những sản phẩm khác rất nhiều. Trong những năm qua, phát triển chăn nuôi chủ yếu là xã hội hoá, nhiều DN chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư vào và rất thành công. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với các DN là quỹ đất cho chăn nuôi rất hạn chế, việc tiếp cận vốn cũng gặp phải nhiều khó khăn.
"Trong quá trình tái cơ cấu ngành, Nhà nước cần quan tâm tới thu hút nguồn lực đầu tư chăn nuôi, trong đó đặc biệt cần quan tâm tới chăn nuôi dưới tán rừng", ông Hùng nhấn mạnh.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.Trong đó, đặt mục tiêu XK từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20-25% thịt và trứng gia cầm.
Chiến lược này cũng đưa ra 10 nhóm giải pháp chính để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới như: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi... Kỳ vọng với những giải pháp này, ngành chăn nuôi sẽ XK mạnh hơn.
Ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Ngành chăn nuôi là ngành trụ cột trong nông nghiệp, do vậy phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn, áp dụng công nghệ mới nhất, hướng đến mục tiêu XK, lấy đây là áp lực cần thiết. Để làm được điều này, phải tận dụng yếu tố công nghệ 4.0 để nâng cấp khâu chăn nuôi, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, đồng thời thu hút cả 3 khu vực gồm: Nhà nước, DN, người dân tham gia.
Bà Thái Hương Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH Chưa khi nào Việt Nam có vị thế lớn mạnh trên bản đồ thế giới về bò sữa như hiện nay, hiện ngành sữa có đủ khả năng để sớm cán đích XK 1 tỷ USD. Để ngành chăn nuôi thực sự lớn mạnh cần "lôi kéo" thêm nhiều DN, hướng tới phát triển các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn Organic.
Ông Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam Năm 2021, dự báo ngành chăn nuôi gia cầm vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi mà thị trường trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Do đó, ngành gia cầm cần phải xem lại quy mô, không tăng đàn nữa vì thị trường tiêu thụ chưa thể tăng đột biến. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh XK để thu về giá trị cao hơn. |
Lê Thúy