Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp (DN) đều đánh giá môi trường kinh doanh đã có bước chuyển tích cực.
Ngốn nhiều thời gian của DN
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cho biết chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam hiện đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 – Doing Business 2019 (đánh giá cho năm 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể, chỉ số khởi sự kinh doanh đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017.
Đáng chú ý, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB ghi nhận trong năm 2018 có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký DN qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký DN.
Theo WB, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là 6,8 bước, 25,9 ngày.
Tuy nhiên, bà Minh cũng thừa nhận vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, như quy trình khởi sự kinh doanh hiện vẫn phải thực hiện qua 8 bước gồm: Thành lập DN và đăng công bố thông tin đăng ký DN; làm con dấu DN; gửi thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh; mở tài khoản ngân hàng; mua hoặc tự in hóa đơn VAT; nộp thuế môn bài; đăng ký lao động; đăng ký bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đồng thời, theo báo cáo của Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), thời gian nộp thuế và bảo hiểm của DN vẫn ở mức cao. Cụ thể, tổng số giờ/ năm để DN nộp thuế và bảo hiểm năm 2018 vẫn giữ ở mức 498 giờ, tương đương 41 ngày làm việc (tính theo giờ hành chính 12 giờ/ngày). Trong đó, thuế là 351 giờ, BHXH là 147 giờ, mục tiêu là giảm giờ nộp thuế xuống 119 giờ, BHXH còn 49 giờ.
Theo bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, xếp hạng chỉ số nộp thuế năm 2018 của Việt Nam theo Doing Business 2019 đứng thứ 131/190 nền kinh tế, tụt 45 bậc so với kết quả tại Doing Business 2018 (tính cho năm 2017).
Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tư vấn thuế, cần hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế; phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
![]() |
Thủ tục hành chính vẫn "hành" doanh nghiệp |
Làm mạnh, thực chất hơn
Trong đó, số giờ thực hiện nộp tờ khai của BHXH còn 18 giờ có thể cải thiện tiếp khi ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối dữ liệu giữa BHXH và thuế. Số lần nộp thuế thu nhập DN có thể giảm từ 5 xuống 1 khi hoàn thiện chính sách một cách đồng bộ, bỏ bớt các hồ sơ bổ sung và điều chỉnh.
Đối với cải thiện quy trình khởi sự kinh doanh, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Bộ KH&ĐT sẽ rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật DN thay vì 5 ngày như hiện nay.
Bà Minh cũng cho rằng Bộ Tài chính cần đảm bảo chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành. Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện phương án kết hợp một số thủ tục trong quy trình khởi sự kinh doanh.
Trong tương lai dài, theo bà Minh, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, BHXH để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh.
Việc liên thông điện tử này không chỉ giúp DN tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường mà còn là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của DN.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng những rào cản nào mà nói là giảm thiểu, đơn giản hóa thì vẫn còn đó và vẫn là rào cản. Nếu các Bộ, ngành, địa phương, mà ở đó cán bộ vẫn không thay đổi thì không đạt hiệu quả, tinh thần cải cách được đẩy mạnh ở Trung ương nhưng không xuống được tới địa phương.
Ông Cung nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính còn phải làm hơn nữa để có kết quả thực chất và tiến bộ.
Thy Lê