Vì vậy, chỉ trong vòng 15 ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công điện để thúc các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ cấp bách thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp khát vốn
Sau Công điện số 252/CĐ-TTg ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 290/CĐ-TTg nhằm yêu cầu các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ và văn bản để trình cấp có thẩm quyền chậm nhất trước ngày 10/4 phải hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao trước đó.
![]() |
Thủ tướng sốt ruột khi chương trình phục hồi kinh tế - xã hội còn triển khai chậm. |
Thủ tướng đánh giá, tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ đến nay còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp tại chương trình. Bộ KH&ĐT và các Bộ, cơ quan chậm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong tháng 3/2022 nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để tiếp tục chậm trễ.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng nêu rõ các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Việc này trong quý I vừa qua chưa có cải thiện đáng kể. Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Chia sẻ với VnBusiness, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) nhiều lần đề cập tới thực trạng giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp (DN) thực phẩm thời gian qua đã tăng rất mạnh 20-30%, điều này khiến chi phí sản xuất của DN bị đội lên cao.
"Nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm từ món nhỏ tới lớn đều tăng giá, ít cũng tăng 10%. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra mặt bằng giá mới với ngành thực phẩm", bà Chi nói.
Theo Chủ tịch FFA, trong thời gian cao điểm nhất của dịch bệnh, DN đã cố gắng bình ổn thị trường, không tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên, đến giờ đã hết chịu nổi. Và cực chẳng đã, vừa qua các DN đã phải xin tăng giá thịt và trứng trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM.
Trong bối cảnh hiện nay, bà Chi cho biết, DN vẫn tha thiết mong muốn được hỗ trợ vốn và lãi suất. Điều này sẽ giúp DN có dòng tiền duy trì hoạt động, hạn chế việc phải tăng giá cả đầu ra liên tục.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hay còn gọi là gói kích thích kinh tế. Có thể nói đây là Nghị quyết quan trọng về gói hỗ trợ cho ngành đông lao động như dệt may, như hỗ trợ tiền nhà 3 tháng, tiền lương quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất DN, tạo hành lang tốt, không khí tốt cho DN.
Tuy nhiên, ông Trường cho biết, cộng đồng DN vẫn đang chờ cách thức triển khai để DN có thể tiếp cận. Chờ hướng dẫn làm như thế nào để nhận hỗ trợ lãi suất, loại hình nào được hỗ trợ lãi suất... Bởi mỗi DN có đặc thù riêng như DN dệt may hiện nay, số dự án đầu tư mới không nhiều do dịch bệnh trong 2 năm qua, như vậy nếu hỗ trợ cho đầu tư, DN ít được tiếp cận. Hỗ trợ cho vay vốn lưu động, hỗ trợ trả lương, lãi suất khoản vay ngắn hạn thì DN dệt may sẽ tiếp cận tốt, có được lợi ích khá cho DN.
Theo Chủ tịch Vinatex, hiện nay, mức lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực, điều này khiến DN bị hạn chế lợi thế cạnh tranh. "Chúng tôi mong muốn chính sách được tiếp cận theo hướng làm sao để trong sân chơi cạnh tranh toàn cầu, DN Việt không bị bất lợi hơn các DN của quốc gia khác", ông Trường chia sẻ.
Xót ruột khi nhìn cơ hội bị lỡ
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, gói kích thích kinh tế không chỉ có nhiệm vụ giúp đất nước phục hồi mà còn phải giúp DN tận dụng được các cơ hội, hay nói cách khác là chớp thời cơ.
Thời cơ mà ông Thiên đề cập như trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, nếu khi đó gói kích thích kinh tế có hiệu lực thực thi trên thực tế, thì sẽ giúp thị trường tiêu thụ trong nước phục hồi mạnh mẽ, DN khôi phục mạnh sản xuất. Tuy nhiên, đáng tiếc thời điểm đó, gói kích thích chưa thể đi vào thực tiễn.
Đến nay, việc triển khai gói vẫn khá chậm chạp. Ông Thiên nhìn nhận: "Phương châm của gói kích thích là có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, tính quyết liệt cao. Tuy nhiên, tính thời cơ thì dường như vẫn chưa được đo đếm, vì vậy rất xót ruột khi thấy các DN phải bỏ lỡ cơ hội do chính sách hỗ trợ còn gặp khó khăn trong khâu tiếp cận".
Thêm vào đó, tính quyết liệt cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, trong tình thế hiện nay, mọi quyết định cần phải gắn với cụm từ "dĩ bất biến ứng vạn biến" để chớp thời cơ, tăng sức mạnh hỗ trợ cho nền kinh tế, thay vì phụ thuộc vào các quy định cứng.
"Tính khuyến khích cho việc chi tiêu từ gói kích thích cần phải rõ hơn, DN nào làm tốt thì cần được hỗ trợ nhiều hơn, vì vậy điều này đòi hỏi năng lực hiểu biết DN từ chính hệ thống quản lý", ông Thiên nhấn mạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh hơn nữa. Đây là lúc “đúng lúc” nhất ngân sách nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ DN, để “cứu” nền kinh tế, thực chất cũng là "cứu mình". Nếu không, nền kinh tế vẫn khó phục hồi, có thể lại bỏ mất thời cơ.
"Sức lực của các DN hiện đã suy yếu hơn nhiều, rõ ràng cần sự hỗ trợ mạnh hơn gấp bội và phải thật nhanh chóng để bảo đảm tính kịp thời. Sự hỗ trợ đó cũng cần tính đến một quãng thời gian phục hồi thích đáng sau dịch thì các DN mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới", ông Thiên nói.
Đề cập tới cơ hội song nhìn nhận thêm góc độ khác, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng chính là thời cơ để DN phục hồi nhanh sau đại dịch, song năng lực tận dụng cơ hội của DN cần được nhìn nhận một cách rõ ràng. Làm sao DN nội phải tận dụng được các ưu đãi như cách mà khối ngoại đã và đang làm.
"Dòng vốn để hỗ trợ DN, tôi cho rằng không thiếu, nhưng bao nhiêu DN sẵn sàng đầu tư công nghệ, vượt lên những khó khăn để tận dụng hiệu quả nguồn lực mới là quan trọng", ông Dũng nhấn mạnh bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách thì sự chủ động của DN cũng rất cần thiết.
Ông Phan Đức Hiếu Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Soi lại tính cấp thiết của gói kích thích kinh tế thì những tháng đầu năm cho thấy nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình chờ để được triển khai trong thực tế. Trong khi đó, tính kịp thời của chính sách ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và đạt mục tiêu chính sách. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, mục tiêu là chia sẻ khó khăn với người lao động; tại thời điểm đó việc lôi kéo người lao động quay lại làm việc rất cấp thiết hơn bây giờ. Giả sử chúng ta thực hiện ngay thời điểm đó tác động sẽ rất lớn, nhưng nếu thực hiện bây giờ thì tác động vẫn có nhưng giảm.
TS. Vũ Minh Khương Giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore Thiết kế và triển khai gói kích thích là một thách thức lớn có tính chiến lược. Các nước giờ đây có phần sợ biến cố “con voi đen” hơn là “thiên nga đen”. “Thiên nga đen”, như trường hợp đại dịch COVID-19. Song biến cố "con voi đen” nghĩa là khủng hoảng kinh tế hay tham nhũng là điều ai cũng biết, có thể trỗi dậy bất thình lình vì thiết kế gói giải cứu kém hoặc do quản trị lạc hậu. Bài toán “gói giải cứu” nên gắn vào cải cách cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, nắm bắt xu thế phát triển của thời đại nhằm tăng năng lực kiến tạo giá trị. Trong đó, cần tăng sự minh bạch và khai thác dữ liệu để tăng hiệu lực của quyết sách và quyết định ở mọi cấp, từ Chính phủ đến DN.
Ông Mạc Quốc Anh Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Chính sách cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực. Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn được đẩy mạnh việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường, có chính sách hợp lý để các DN tiếp cận nguồn vay vốn với thủ tục đơn giản… phát triển các DN xã hội, kinh tế tuần hoàn. |
Nhật Linh