Tại Hội thảo trực tuyến về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế 2022 - 2023, với chủ đề Tăng tốc tiếp sức doanh nghiệp ngày 25/3, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đà phục hồi của Việt Nam đang vấp phải 2 vấn đề: Phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại và rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô, trong đó là lạm phát rất lớn.
Với hai tác động như vậy, các chuyên gia đặt vấn đề chương trình phục hồi kinh tế có trở nên lạc hậu không và cần phải làm gì?
Hai lực cản phục hồi kinh tế
TS. Võ Trí Thành phân tích, thứ nhất, đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại. Trước đây khi chưa có chiến sự Nga - Ukraine, tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm tốc. Cùng với đó, Mỹ đã điều chỉnh chính sách tiền tệ và co lại dần nên đã ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi nền kinh tế; đứt gẫy chuỗi cung ứng, trừng phạt kinh tế giữa các nước. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp lên nền kinh tế Việt Nam.
![]() |
Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế sớm được thực thi. |
Thứ hai là rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô, trong đó lạm phát là rất lớn. Khi triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm (2022-2023) sẽ tạo áp lực lên lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công. Do đó, người dân chuyển tiền sang kênh đầu cơ tài chính.
Theo tính toán mới nhất, nếu Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi tốt, tăng trưởng kinh tế vẫn tốt hơn so với mục tiêu đầu năm nay. Nhiều tổ chức thế giới dự đoán Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Nhưng nếu không thực hiện tốt, tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng gần 6%. Trong khi đó, mục tiêu lạm phát ở mức khoảng 4% sẽ khó khăn hơn.
“Chúng ta phải quyết liệt thực hiện phục hồi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó cần phải có các kịch bản giảm thiếu các rủi ro tác động lên kinh tế vĩ mô”, ông Thành cho hay.
Ở góc độ cơ quan ban hành chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khi xây dựng chương trình phục hồi kinh tế đã tính toán đến những yếu tố bất ổn khác và đưa ra dự liệu các giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là kết hợp linh hoạt hài hoà giữa chính sách tiền tệ và tài khoá để dự phòng biến động vĩ mô.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tác động lớn nhất đến chương trình phục hồi này là xung đột giữa Nga và Ukraine. Về cơ bản cũng giống như tác động đại dịch Covid-19 đó là làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí sản xuất đầu vào, đe doạ đến sự bất ổn vĩ mô.
Các chuyên gia đặt vấn đề: Với hai tác động như vậy, chương trình phục hồi kinh tế có trở nên lạc hậu không?
"Dù "vấp" phải lực cản nhưng chương trình phục hồi kinh tế này không trở nên lạc hậu, thậm chí càng cho thấy vai trò cấp thiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ những khó khăn của doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng quan trọng là chính sách phát huy được tính kịp thời, có như vậy mới đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế", ông Hiếu khẳng định.
Gỡ "rào cản" bằng thực thi kịp thời
Theo các chuyên gia, để chương trình phục hồi kinh tế phát huy được vai trò và tính kịp thời, cần phải giải quyết ngay vấn đề thực thi, thực hiện tốt chính sách tiền tệ và tài khoá. Ông Hiếu nói: “Thủ tướng Chính phủ vô cùng sốt ruột. Sau 20 ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành chi tiết chương trình phục hồi kinh tế. Đặc biệt, trong 2 tháng qua, Chính phủ 2 lần có công điện khẩn để đôn đốc thực hiện”.
Thực tế đã có một số chính sách được thực hiện rất sớm như giảm thuế VAT. Nhưng ngược lại, các chuyên gia cho rằng còn nhiều chính sách vẫn đang chờ được triển khai.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, tính kịp thời của chính sách ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và đạt mục tiêu. Ông Hiếu dẫn chứng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là ví dụ điển hình. "Mục tiêu là chia sẻ khó khăn với người lao động, tại thời điểm đó, việc lôi kéo người lao động quay lại làm việc rất cấp thiết hơn bây giờ. Giả sử chúng ta thực hiện ngay thời điểm đó thì tác động sẽ rất lớn, nhưng nếu thực hiện bây giờ, tác động vẫn có nhưng giảm. Hay như chương trình sóng và máy tính cho em cũng vậy", ông nói.
Yếu tố thứ hai, theo ông Hiếu, là cần phải thường xuyên bám sát việc thực thi để có điều chỉnh kịp thời. Hiện nay, giảm thuế VAT không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn giảm chi phí cho nghiệp. Tuy nhiên, đang gây áp lực cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Sắp tới có nhiều chính sách triển khai, cần phải tổ chức thực thi hướng đến sự minh bạch, công bằng dễ tiếp cận và đừng biến chính sách trở thành áp lực ngược lại mới đáp ứng được mục tiêu phục hồi kinh tế.
Dưới góc độ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ phục hồi, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đồng tình cho rằng, chính sách đã đúng, trúng rồi nhưng nếu thực thi không tốt thì người hưởng lợi sẽ bị thiệt thòi và không có sự lan toả cho nền kinh tế.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, trong giai đoạn trước có nhiều chính sách, doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được, ví dụ như chính sách thuế, tín dụng, chính sách cho người lao động… Tuy nhiên, hiện nay đã có những đánh giá tổng kết, các cơ quan đã số hoá một phần, bỏ điều kiện đầu vào, đối tượng được hưởng cũng rõ ràng hơn và đặc biệt sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã có sự chuyển mình lớn.
"Hy vọng những chính sách được triển khai trong thời gian tới sẽ không còn xảy ra những tồn tại trên", ông Hùng nói.
Thanh Hoa