Từ mùa vụ 2012/13 đến mùa vụ gần đây nhất, tỷ lệ tăng trưởng trung bình (CAGR) của sản lượng cà phê tiêu thụ tại Việt Nam ước tính đạt 8%. Đây là mức cao thứ ba trong số các quốc gia nhập/xuất khẩu cà phê, sau Thổ Nhĩ Kỳ (10,4%) và Philippines (8,9%).
Cửa hàng “mọc lên như nấm”
Nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao đã khiến mảng bán lẻ cà phê tại Việt Nam đạt vị trí thứ tư trên thế giới với 14,9% trong giai đoạn 2012 – 2016, đứng sau Indonesia (19,6%), Thổ Nhĩ Kỳ (17,5%) và Ấn Độ (15,1%).
Lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam nếu như cách đây 13 năm (2005) chỉ là 0,43kg/người/năm thì theo Báo cáo ngành hàng nông nghiệp Việt Nam 2017 của BMI Research, đến năm 2015 đã lên 1,38kg. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới và theo dự báo của BMI, lượng tiêu thụ này sẽ tăng lên 2,6kg vào năm 2021.
Một cuộc khảo sát mới đây cũng cho thấy 52,51% người Việt Nam trả lời có sử dụng cà phê thường xuyên, cao hơn so với bất kỳ thức uống nào khác. Ngày nay, thưởng thức cà phê trở thành một thói quen của người Việt, mức tiêu thụ cà phê được dự báo tăng lên sẽ buộc các thương hiệu cà phê lớn trong và ngoài nước khi đứng chân ở thị trường Việt Nam phải thiết lập một chỗ đứng vững chắc để duy trì quy mô thị trường.
Nếu quan sát thị trường bán lẻ cà phê Việt hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, sẽ thấy nổi bật lên các thương hiệu cà phê ngoại nổi tiếng như Starbuck Coffee, The Coffee Bean, Passio, Urban Station…
Song song đó là các tên tuổi nội lớn như Trung Nguyên, Highlands Coffee, Phúc Long Coffee & Tea House, The Coffee House, Effoc, My Life Coffee… Ngoài ra còn có vô số các tên tuổi cà phê thuộc tầm trung “mọc lên như nấm” ở Tp.HCM và Hà Nội.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi họp báo ngày 17/4 ở Tp.HCM giới thiệu Triển lãm quốc tế Việt Nam Cafeshow 2018 (diễn ra từ 3 – 5/5/2018 tại Tp.HCM), ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc thương mại tại Việt Nam thuộc Tập đoàn Rich’s của Mỹ (chuyên về cung cấp những giải pháp cho các DN ngành hàng cà phê, đồ uống), cho rằng so với 7 – 8 năm về trước – khi những thương hiệu cà phê lớn ở nước ngoài chưa ồ ạt tràn vào Việt Nam, hiện giờ thị trường bán lẻ cà phê ở Việt Nam đang tăng trưởng “rất nóng” với nhiều tên tuổi lớn trong và ngoài nước.
Theo ông Sơn, một số thương hiệu cà phê có sức ảnh hưởng khá lớn của nước ngoài đang hoạt động tại thị trường cà phê Việt Nam, tạo nhiều áp lực cạnh tranh cho các thương hiệu cà phê nội.
![]() |
Thị trường bán lẻ cà phê ở Việt Nam đang tăng trưởng “rất nóng” |
Cạnh tranh quyết liệt
Sự cọ xát này cũng là cơ hội cho những thương hiệu cà phê Việt khi họ chịu áp lực rất lớn. Để cạnh tranh song hành với các thương hiệu cà phê ngoại đòi hỏi các thương hiệu nội phải có thời gian, tiềm lực về tài chính và có định hướng chiến lược rất rõ ràng.
Có thể kể điển hình hai thương hiệu cà phê lớn của Mỹ là The Coffee Bean và Starbuck Coffee, khi mới vào Việt Nam ban đầu xây dựng và khẳng định vị trí thương hiệu. Sau đó, họ mới bắt đầu nhắm đến xu hướng nhượng quyền thương mại. Đây là hướng đi nhanh nhất và mạnh nhất của một số thương hiệu cà phê ngoại vì họ có tiềm lực, có tên tuổi thương hiệu, có nguồn tài chính mạnh.
Cho nên, như chia sẻ của ông Sơn, khi đến Việt Nam, tham vọng của các thương hiệu này là thâu tóm nhanh thị phần. Đây chính là áp lực cho các thương hiệu cà phê trong nước nếu so với nguồn lực tài chính lâu dài liệu có theo đuổi nổi hay không. Bởi vì, có những thương hiệu cà phê Việt thực tế chưa nghĩ đến chuyện làm ăn lâu dài, mà chỉ nghĩ đến trung hạn hoặc ngắn hạn.
Cần phải nhìn nhận thêm, thời gian qua, cũng có không ít thương hiệu lớn đã “ngậm đắng” rời khỏi thị trường bán lẻ cà phê Việt trước cuộc đua cạnh tranh ngày càng gắt.
Đơn cử như thương hiệu cà phê nổi tiếng của Australia là Gloria Jean’s Coffees sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, vào tháng 4/2017 đã âm thầm đóng cửa cửa hàng cà phê cuối cùng ở quận 7 (Tp.HCM). Hoặc trước đó, năm 2016, chuỗi cà phê NYDC (Singapore) cũng buộc phải đóng cửa sau 7 năm có mặt tại Việt Nam.
Nguyên nhân của việc đóng cửa những thương hiệu này được chỉ rõ là do áp lực cạnh tranh quá lớn, cộng với áp lực tiền thuê mặt bằng, chi phí vận hành, trong khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí…
Chia sẻ thêm về việc gần đây có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cà phê, ông Sơn cho rằng đây cũng là rào cản đối với các thương hiệu cà phê Việt hiện nay. Bởi lẽ chi phí đầu tư cho một quán cà phê của một thương hiệu là rất lớn, nhất là chi phí thuê mặt bằng ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM rất cao.
Rào cản lớn nhất hiện nay với các thương hiệu cà phê nội là làm sao tìm được vị trí tốt để có thể khẳng định thương hiệu, trong khi những vị trí tốt có chi phí thuê rất cao.
Khi có được vị trí tốt rồi, doanh nghiệp lại đối mặt với việc những thương hiệu khác muốn phá vỡ hợp đồng, ngay cả khi thời hạn hợp đồng vẫn còn. Nhất là những thương hiệu lớn của nước ngoài sẵn sàng trả chi phí cao hơn để đẩy thương hiệu nội “bật bãi”. Có thể nói, đó chính là cuộc cạnh tranh khốc liệt!
Thế Vinh