Ong Trần Minh Tiến, chủ cơ sở sản xuất ống hút sạch 3T ở huyện Đức Hoà (Long An), thời gian qua dành nhiều công sức để “chế” ra loại sản phẩm ống hút thân thiện môi trường có nguồn nguyên liệu từ cây cỏ bàng, mọc hoang dã ở vùng quê.
Đã có sản phẩm và mẫu thử hoàn chỉnh, tuy nhiên để hoàn thiện sản phẩm ống hút sạch có giá trị gia tăng cao, theo ông Tiến, phải cần sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu và chế tạo ra các máy sấy đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao và tiết kiệm chi phí.
Chưa thấm nhuần sáng tạo
Ông Tiến cũng bày tỏ mong muốn nhân rộng tới các doanh nghiệp (DN), nhà hàng đang sử dụng ống hút nhựa để thay bằng ống hút được chế tạo bằng cỏ. Nhưng giữa mong muốn và thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn khi chi phí vận chuyển, bảo quản đang chiếm đến 30% trong giá thành của sản phẩm này. Hơn nữa, giá của ống hút nhựa cực kỳ rẻ, để có thể cạnh tranh và thay đổi thói quen của người tiêu dùng không phải chuyện dễ.
Nhân chuyện này, khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội nghị về mạng lưới cộng đồng sáng chế FabLab châu Á diễn ra tại Tp.HCM ngày 2/5, bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng – Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng hoạt động sáng tạo của các chủ DN nhỏ ở trong nước đòi hỏi sự mạnh dạn đương đầu với những thách thức.
Theo bà Hương, khó có một định lượng chính xác về năng lực sáng tạo của các DN Việt. Nhưng nhìn ở góc độ chính sách, việc thực thi luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có những chế định riêng để hỗ trợ hoạt động sáng tạo của DN. Vấn đề là cần có những văn bản hướng dẫn dưới luật để thúc đẩy chuyện này.
Trong vấn đề rào cản, vướng mắc cho hoạt động sáng tạo của DN nhỏ, bà Hương nhận định về nguyên nhân chủ quan là do các DN nhỏ và vừa của Việt Nam có quy mô rất nhỏ, quy mô về tài chính và khả năng tiếp cận tài chính hạn hẹp, họ không có tầm nhìn chiến lược dựa trên ý tưởng sáng tạo, dựa trên ý tưởng công nghệ. Hơn nữa, “văn hoá sáng tạo” vẫn chưa thấm nhuần trong các DN nhỏ và vừa.
Nguyên nhân khách quan, theo bà Trần Thị Thu Hương, xuất phát từ sự trông chờ của nhiều DN vào chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, bản thân các DN nhỏ đã là DN thì đòi hỏi phải tự lực, không thể ỷ lại hoàn toàn vào chính sách. Vấn đề đổi mới sáng tạo của DN nhỏ cần phải có đam mê, kể cả chủ động phát triển mà không có bất cứ hỗ trợ nào.
![]() |
Con đường sáng tạo của DN Việt vẫn còn khá chông chênh |
Bài toán không dễ giải
Nói về hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN nhỏ, ông Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc FabLab Saigon, cho biết cộng đồng DN ở Việt Nam không thiếu những ý tưởng sáng tạo hay, nhưng để biến những ý tưởng đi vào thực tế thì đòi hỏi nhiều về nguồn lực và không gian sáng tạo, nhất là về nhân lực, máy móc, công nghệ mới.
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, năng lực của các DN Việt trong việc đưa ra các ý tưởng mới, cho dù là sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc quy trình sản xuất mới để tăng tính cạnh tranh là còn nhiều hạn chế.
Ngoài năng lực đổi mới của bản thân DN còn ì ạch, còn phải đề cập đến sự yếu kém của tổ chức nghiên cứu khoa học ở trong nước. Đó là việc thiếu các nhà khoa học và kỹ sư tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển tại các DN, thiếu liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các ngành công nghiệp trong các họat động nghiên cứu phát triển (R&D).
Mặc dù mức độ hỗ trợ của Chính phủ trong việc tăng cường các hoạt động đổi mới có thể cao hơn so với những quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia, nhưng mức chi tiêu của các doanh nghiệp vào R&D tại Việt Nam vẫn khá thấp trong khu vực.
Một trong những lý do là phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ, mới thành lập và thủ tục đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn phức tạp cùng mức độ thực thi yếu. Điều này được coi là một thất bại thị trường. Nói cách khác, thị trường chưa thúc đẩy khả năng đổi mới khoa học công nghệ của các DN.
Có thể thấy rằng việc tự thực hiện sáng tạo, đổi mới công nghệ dường như không phải là một bài toán dễ dàng đối với đa số các DN trong nước, cho dù cửa sổ cơ hội cho việc tham gia vào các chuỗi cung ứng vẫn rộng mở và DN có thể tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức phát triển DN khác.
Vì vậy, theo khuyến nghị của giới chuyên gia, để gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo ở các DN nhỏ Việt Nam, cần khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển (thông qua chính sách miễn giảm thuế, hay quỹ nghiên cứu phát triển).
Đồng thời, cần có cơ chế hợp tác “mạng lưới đổi mới sáng tạo” (innovation system), nhất là tăng cường liên kết giữa DN – viện nghiên cứu – trường đại học. Cũng nên có chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm tăng cường sự lan toả công nghệ. Điều quan trọng là cần tăng cường năng lực thực thi trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thế Vinh