Chiều ngày 24/5, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành sầu riêng bền vững.
Bày tỏ những khó khăn mà vùng trồng sầu riêng đang phải đối diện, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu, cho biết diện tích, sản lượng, chất lượng sầu riêng Việt Nam không thua kém Thái Lan hay bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, ở nhiều khâu khác, đặc biệt là khâu kiểm nghiệm chất lượng sầu riêng của Việt Nam đang rất hạn chế.
Bà Vy cho rằng, chất vàng O (Auramine O) thường được dùng để làm đẹp cho mẫu mã trái sầu riêng, diệt vi khuẩn bên ngoài. Tuy nhiên, vì tồn dư chất này mà có nhiều chuyến hàng sầu riêng phải quay đầu, thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
![]() |
Các DN cho rằng, cần có nghiên cứu để đưa ra quy chuẩn về chất bảo quản sầu riêng đúng quy chuẩn sau thu hoạch. |
Vì vậy, bà Vy đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần kiểm nghiệm tất cả những thứ đang sử dụng ở sầu riêng cho đúng quy chuẩn. Trong đó, cần cấp thiết nghiên cứu sản phẩm bảo quản trái sầu riêng sau thu hoạch để xuất khẩu.
“Chúng ta phải có hàng rào kiểm soát sản phẩm sầu riêng của chính mình. Cần có nghiên cứu để đưa ra quy chuẩn về chất bảo quản sầu riêng đúng quy chuẩn sau thu hoạch”, bà Vy nói.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm, cho biết hiện các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng “vừa đi vừa dò đường” để tìm chất bảo quản sầu riêng sau thu hoạch, không biết vướng khi nào, vướng ở đâu.
Theo bà Thanh, hiện còn thiếu văn bản hướng dẫn về quy trình bảo quản sầu riêng sau thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp không biết phải tìm sản phẩm xử lý ở đâu cho đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đại diện Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát cơ sở đóng gói nhằm ngăn chặn tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành.
Còn ông Nguyễn Tri Kỷ, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Đắk Nông, cho rằng cảnh báo về Cadimi, vàng O là cảnh báo mà chúng ta cần giải quyết theo cách phòng hơn chữa.
Theo ông Kỷ, từ năm 2020, ngành nông nghiệp đã manh nha vấn đề về Cadimi nhưng sau đó lại lắng xuống.
Hiện, diện tích trồng xen sầu riêng còn rất lớn. Nguy cơ sầu riêng nhiễm Cadimi khi sử dụng phân bón cho cây trồng xen là có và cần phải đề phòng, cần siết chặt kiểm tra các loại phân bón trên thị trường để khuyến cáo, hướng dẫn người dân.
Trước thực tế mà người trồng và các DN ngành sầu riêng đang đối diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp xã để thực hiện nhiệm vụ thiết lập, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói; Sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng trái cây Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thăm vườn sầu riêng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. |
Lắng nghe và tiếp nhận ý kiến từ chủ vườn sầu riêng, các DN và chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, chúng ta đã có sầu riêng ngon. Tuy nhiên, ngoài ngon thì sầu riêng cần phải “sạch”, phải “an toàn” và cần chuẩn hóa mẫu mã cho đẹp, bắt mắt...
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Minh bạch, trách nhiệm, bền vững” sẽ là kim chỉ nam cho ngành sầu riêng trong giai đoạn tới. Đây là yêu cầu tất yếu để duy trì đà tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&MT, chúng ta không ngồi yên, mà phải hành động, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý… cần cùng nhau làm cho sầu riêng Việt chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã. Mọi người đều phải nâng cao trách nhiệm, vun đắp, phát triển sầu riêng thành thương hiệu quốc gia, đưa trái sầu riêng thành hình mẫu của nông sản Việt. Tuần tới, đoàn công tác của Bộ sẽ trực tiếp sang Trung Quốc làm việc về các vấn đề như quy trình kiểm tra khi thông quan, tiêu chí lấy mẫu sầu riêng…”.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đồng thời đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, với diện tích trồng cả nước đạt gần 180.000ha, riêng Đắk Lắk hơn 30.000ha. Tuy nhiên, Bộ trưởng cảnh báo về những rủi ro từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025, do mất cân đối giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng, cũng như giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng trong nước.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhận diện rõ nguy cơ tiềm ẩn trong công tác quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia…
“Chúng ta đã có sầu riêng ngon. Tuy nhiên, ngoài ngon thì sầu riêng cần phải sạch, phải an toàn và cần chuẩn hóa mẫu mã cho đẹp, bắt mắt. Nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý… cần cùng nhau làm cho sầu riêng Việt chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã. Mọi người đều phải nâng cao trách nhiệm, vun đắp, phát triển sầu riêng thành thương hiệu quốc gia, đưa trái sầu riêng thành hình mẫu của nông sản Việt”, Bộ trưởng nói.
Hồng Hương