Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa qua, bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT CTCP VietRAP, chia sẻ công ty này hiện đang thuê đất của dân, đầu tư trồng dược liệu tại vùng cao.
Vốn đầu tư 10ha cây tam thất, thất diệp nhất chi hoa là các loại biệt dược với chi phí giống, kỹ thuật, thiết bị… khoảng 5 tỷ đồng/ha, nhưng không tiếp cận được vốn vay vì không có tài sản đảm bảo.
Dù cân nhắc đến tài sản đầu tư trên đất nhưng ngân hàng không dám giải ngân, do chu kỳ thu hoạch của sản phẩm này quá dài, từ 5 đến 7 năm sau trồng mới được thu hoạch.
Vướng tơ vò khó khăn
Trong khoảng thời gian đó, các yếu tố rủi ro cho doanh nghiệp (DN) về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, thiên tai, dịch bệnh… cũng chính là nỗi lo mà các ngân hàng rụt rè về khả năng trả nợ của DN. Vì vậy, DN vẫn phải tự chủ động nguồn vốn đầu tư, là một thiệt thòi rất lớn cho các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Phượng cho hay, thời gian qua, cùng với sự phát triển của các ngân hàng, những gói sản phẩm cho vay cũng bùng nổ. Hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở nhưng không phải DN nào cũng có thể tiếp cận, đặc biệt là khối DN tư nhân vẫn phải loay hoay do điều kiện cho vay chưa thuận lợi.
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện, khó khăn mà khối DN tư nhân hiện nay đang gặp phải. Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội DN tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty HALCOM Việt Nam, các DN tư nhân chủ yếu nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực, nhất là đất đai và tài nguyên khác, do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các DN nhà nước (DNNN) đang chậm được cổ phần hóa nên nguồn lực dành cho các DN tư nhân chậm được khai thông.
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn ở một số cơ quan, ban ngành, bộ phận quản lý còn thiếu sự nhất quán, có lúc, có nơi chưa nhìn nhận, đánh giá đúng mức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.
Thái độ ứng xử của một số cán bộ, công chức vẫn còn phân biệt giữa các thành phần kinh tế; chưa thực sự bình đẳng trong vay vốn tín dụng, trong việc thuê đất giữa DNNN với DN tư nhân. Việc bình xét các danh hiệu, một số giải thưởng tôn vinh DN, doanh nhân còn mang tính hình thức.
Đặc biệt, một số cơ quan quản lý ở địa phương (thuế, hải quan…) có lúc, có nơi còn gây khó khăn cho DN, còn nhiều trường hợp lợi dụng các ngành kinh doanh có điều kiện để can thiệp hành chính vào hoạt động của DN.
Trước thực tế trên, PGs.Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá thời gian qua, khu vực tư nhân có những bước tiến, song thực lực cơ bản vẫn là "nhỏ bé", "manh mún" và "yếu kém". Một số tập đoàn kinh tế tư nhân trỗi dậy song chưa đủ sức làm xoay chuyển bức tranh tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân trong nước tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới chỉ đóng góp chưa đến 10%.
Số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 95-96% tổng số DN; số DN vừa quá ít (chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng số DN). Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm DN vừa (nhỏ hơn cả tỷ trọng DN lớn – khoảng 2%) chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn.
![]() |
DN tư nhân không thể lớn vì chịu khổ trăm đường |
Cần chiến lược phát triển DN
Đồng thời, Việt Nam đang có quá ít tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản. Các tập đoàn tư nhân lớn ít được quan tâm hỗ trợ phát triển đúng hướng, vẫn bị "kỳ thị", phân biệt đối xử, sau 30 năm đổi mới vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột, dẫn dắt cạnh tranh – phát triển và định hình bức tranh nền kinh tế.
Hơn nữa, nhóm DN tư nhân lớn của Việt Nam có nhiều cơ hội để lớn lên nhưng lại đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro. Lực lượng này lớn lên nhờ đầu cơ là chính. Ông Thiên cho rằng tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao.
Chỉ khu vực FDI tương đối "ăn nên làm ra" – đóng góp tới 20% GDP, với tốc độ gia tăng mang tính áp đảo. Khu vực FDI lớn mạnh nhanh như vậy một phần là nhờ các DN này có thế mạnh vượt trội hơn hẳn các DN tư nhân Việt – về thực lực tài chính, năng lực quản trị, sức mạnh thị trường, trình độ công nghệ và khả năng gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, lý do quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn là do họ biết dựa vào thế mạnh của mình để tận dụng những lợi thế và ưu đãi mà Việt Nam dành cho đầu tư nước ngoài – lợi thế "tự nhiên" (lao động dồi dào, tiền lương thấp, tài nguyên, vị trí địa lý, quy mô và sức tăng trưởng thị trường) và các ưu đãi chính sách (tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương).
Những ưu đãi này không được dành cho các DN tư nhân Việt Nam, trong khi các DN Việt Nam lại bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các quy định đặc thù (ví dụ chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái, hàng ngàn thủ tục và quy định…).
Theo Ts. Trần Đình Thiên, thực chất cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển DN Việt đúng nghĩa. Cùng lắm là mới quan tâm đến việc thành lập nhiều DN chứ chưa có cách tiếp cận phát triển "lực lượng DN Việt". Đó là hậu quả của cách tư duy về phát triển DN trong nền kinh tế thị trường nhưng không hiểu đúng và không tôn trọng các nguyên lý nền tảng, cốt lõi của kinh tế thị trường (điển hình: chủ trương phát triển kinh tế thị trường nhưng không chú trọng, quan tâm phát triển các thị trường, đặc biệt là thị trường các nguồn lực; không coi trọng phát triển khu vực DN tư nhân đúng kiểu thị trường…).
Các chủ thể kinh tế yếu thế, nổi bật là kinh tế tư nhân, các DN vừa và nhỏ bị "mặc kệ phát triển", thực chất là loại ra khỏi cuộc chơi dựa trên nguyên tắc "xin – cho".
Trong bối cảnh phát triển mới, ông Thiên cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển DN Việt cho giai đoạn phát triển mới, với nền tảng là DN tư nhân và trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế. "Cần thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực kinh tế trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử", ông Thiên nhấn mạnh .
Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thật sự cho DN, từ việc thành lập, phát triển ý tưởng, giảm bớt thủ tục điều kiện sản xuất kinh doanh. Hạn chế thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, tạo môi trường thuận lợi cho DN, cho sản xuất kinh doanh.
Đi vào kiến nghị cụ thể, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng DN tư nhân rất cần được hỗ trợ các cơ chế trong các chính sách về tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ; đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực.
Lê Thúy
Ts. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Qua 30 năm qua, các DN vừa của chúng ta rất ít, tư nhân không lớn lên được mà chỉ mãi bé. Đúng như Ts. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam nói: "khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam rất dị thường, không lớn được". Chúng ta phải cải thiện điều này, nguyên lý thay đổi rất cơ bản là phải thay thế hướng tiếp cận: Khu vực nhà nước và tư nhân đều phải được bình đẳng với tư cách như nhau. Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội DN tư nhân Việt Nam DN Việt Nam vẫn phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng mà không chắc chắn khi nào sẽ được kinh doanh trong một môi trường tương tự như ở các nước đang dẫn đầu trong khu vực. Tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của DN. Bà Vũ Thị Vân Phượng - Chủ tịch HĐQT CTCP VietRAP Chính sách cho DN vay vốn có quá nhiều nhưng đầu tư cho nông nghiệp rủi ro cao và ngân hàng vẫn thiếu niềm tin vào DN. Dường như DN tư nhân vẫn bơ vơ, cô đơn và cứ "cắm đầu trên luống cày". Chúng tôi không sợ thiên tai dịch bệnh nhưng sợ sự cô đơn. |