Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ghi nhận tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2025.
GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025.
![]() |
GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%. |
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ chiếm 43,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36%.
Về sử dụng GDP 6 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,2% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.
IIP tăng 9,2%
Sản xuất công nghiệp trong quý II/2025 tiếp tục tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3%.
Tính chung 6 tháng, IIP ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
![]() |
IIP 6 tháng ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm 2024 tăng 8%. |
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn số rút lui
Cục Thống kê đánh giá, số lượng đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng cao nhờ động lực từ Nghị quyết 68. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 591,1 nghìn lao động, tăng 11,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,9% về số vốn đăng ký và tăng 13,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 80,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; hơn 34,0 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,3%; hơn 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3%.
Thương mại, vận tải, du lịch tăng trưởng khá
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2%..
Vận tải hành khách đạt 2.857,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 151,9 tỷ lượt khách.km, tăng 13,5%.
Vận tải hàng hóa ước đạt 1.438,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 291,3 tỷ tấn.km, tăng 13,4%.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh 4.062,8 nghìn lượt người, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê nhận định, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
FDI thực hiện tăng 8,1%
![]() |
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%. |
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: 1.988 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,29 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 9,6% về số vốn đăng ký; có 826 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.708 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,28 tỷ USD, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 705 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,3 tỷ USD và 1.003 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,98 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ tăng cao
Xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá.
Với hàng hoá, 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Với dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,79 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,62 tỷ USD (chiếm 51,5% tổng kim ngạch), tăng 24,7%; dịch vụ vận tải đạt 4,35 tỷ USD (chiếm 29,4%), tăng 31,0%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8 tỷ USD (chiếm 40,8% tổng kim ngạch), tăng 18,5%; dịch vụ du lịch đạt 7,3 tỷ USD (chiếm 37,4%), tăng 31,5%. Cán cân thương mại dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 nhập siêu 4,71 tỷ USD.
Lạm phát cơ bản tăng 3,16%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. CPI tháng 6/2025 tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 6/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm.
CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với quý II/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung.
Đỗ Kiều