Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp (DN) Việt thì ở đại hội cổ đông thường niên mới đây, CTCP tập đoàn Lộc Trời vẫn bày tham vọng trở thành tập đoàn tỷ đô trong 4 năm tới và nỗ lực chuyển đổi các hoạt động cốt lõi để từng bước tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Nâng cấp sản phẩm
Riêng năm nay, DN này đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 460 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng (tăng 7,45%) dù chỉ trong 3 quý còn lại của năm 2020 so với kết quả của cả năm 2019.
![]() |
Gia tăng chế biến, nâng cấp nông sản thì doanh thu của DN càng ổn định |
Điểm gây chú ý là ở mảng lương thực của Lộc Trời, do tình hình tiêu cực của thị trường Trung Quốc nên doanh thu dự giảm 35% về 1.700 tỷ đồng, và để bù đắp nhằm đạt mục tiêu lãi gộp 120 tỷ đồng thì phía DN sẽ đẩy mạnh xuất khẩu (XK) thị trường EU và tiêu thụ nội địa.
Tương tự như vậy, khi mà thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh thì thị trường EU đang trở thành lực đỡ cho các DN thủy sản hậu Covid-19 khi mà sản phẩm của họ đã được nâng cấp để chinh phục thị trường này. Như trường hợp CTCP Vĩnh Hoàn hồi tháng 4/2020 vừa qua khi XK cá tra vào EU đã tăng đến 68% trong khi Trung Quốc giảm 48%. Và EU cũng vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường XK lớn thứ 2 của công ty này.
Hoặc như Camimex Group có doanh số XK trong tháng 4 đạt hơn 6,5 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước với thị trường lớn nhất là EU chiếm tỷ trọng trên 70%.
Có thể nói, những trường hợp như Lộc Trời, Vĩnh Hoàn hay Camimex vẫn cho thấy “bức tranh sáng” của DN ngành nông sản so với “bức tranh xám” của những DN đang gặp khó do Covid-19.
Điều quan trọng là những DN nội địa trong ngành nông nghiệp sau những khó khăn từ dịch Covid-19 thì rất cần hướng đi bài bản, tham vọng, biết nâng giá trị sản phẩm, linh động chuyển dịch thị trường và chủ động cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng nông sản trên toàn cầu.
Ts. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực nòng cốt hiện nay của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nhiều năm nữa, nhưng sẽ có dư địa để phát triển thêm các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
“Các nhà sản xuất càng nâng cấp sản phẩm (từ sản phẩm thô lên sản phẩm có thương hiệu) thì thu nhập của họ sẽ càng ổn định và sản phẩm của họ sẽ càng phổ biến hơn”, Ts. John Walsh nói.
Theo đó, các DN Việt Nam muốn XK sang EU thì nên bắt tay với một đối tác EU có chuyên môn về thị trường phân phối địa phương (giống như các công ty nước ngoài vẫn thường làm khi đến Việt Nam).
Mở cửa cho các nhà bán lẻ quốc tế
Còn với những DN muốn cạnh tranh ở thị trường nội địa, theo Ts. John Walsh, một số sẽ tiếp tục cố gắng cạnh tranh hoàn toàn bằng chi phí thấp và sẽ có người vẫn thành công bằng cách này. Các DN khác thì có thể tận dụng hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như tiềm năng chuyển giao công nghệ.
Việc cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng nông sản cũng có thể liên hệ đến ngành điều hay ngành cà phê. Ở “thủ phủ” hạt điều của cả nước là tỉnh Bình Phước mới đây có đưa ra mục tiêu trong các năm tới là phải hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước.
Bên cạnh mục tiêu tổng kim ngạch XK hạt điều của riêng tỉnh này sẽ đạt bình quân 1 tỷ USD/năm vào năm 2030 thì phải có 100% cơ sở chế biến và hộ trồng điều tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị theo chuẩn quốc tế, chế biến sâu nhân điều đạt 10.000 tấn/năm.
Để các công ty hạt điều Việt Nam cho ra mắt những thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, theo Ts. John Walsh, việc này có kết hợp giữa đầu tư tư nhân và hỗ trợ của chính phủ.
Tương tự như vậy là ở ngành sản xuất cà phê Việt cũng nhận được những khoản hỗ trợ cần thiết. “Ngành này có thể thành công hơn nữa nếu trọng tâm XK chuyển dịch từ cà phê Robusta sang Arabica - giống cà phê có giá trị gia tăng cao hơn”, Ts. John Walsh chia sẻ.
Được biết EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch XK cả nước. Ngoài EU thì ngành này vẫn đang chú trọng phát triển một số thị trường trọng điểm khác, nâng dần sản lượng cà phê chế biến XK, từng bước tạo dựng các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Về cơ cấu mặt hàng, hiện ngành cà phê Việt vẫn tập trung XK cà phê robusta dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm tới 94% tổng lượng XK. Do đó, giá trị XK chưa cao. Trong năm nay, các DN nội địa trong ngành này được kỳ vọng sẽ có sự chuyển dịch về cơ cấu mặt hàng, sẽ tập trung đẩy mạnh XK cà phê chế biến nhằm nâng cao giá trị XK và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Bên cạnh việc nâng cấp sản phẩm, gia tăng hàm lượng chế biến khi XK và phát triển thương hiệu nông sản, theo chuyên gia của RMIT, có thể nên thúc đẩy hơn nữa quá trình “mở cửa thị trường trong nước cho các nhà bán lẻ quốc tế” - những người có chuyên môn trong việc gắn kết nông dân địa phương vào các chuỗi giá trị quốc tế.
Thế Vinh