Đến nay, cả nước đã có 2.975 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 DN. 1.254 chuỗi được chứng nhận với 1.452 sản phẩm chuỗi nông sản an toàn, 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 469 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Chưa tương xứng sự quan tâm
Để đạt được kết quả này, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục KTHT và PTNT (Bộ NN&PTNT), cho biết thời gian qua Chính phủ luôn coi trọng việc tăng cường liên kết, coi đó là giải pháp chính nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản và có nhiều chính sách hỗ trợ liên kết giữa các nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học – doanh nghiệp). Nhờ vậy, tính liên kết của các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua đã có bước tiến triển. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết.
![]() |
Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn ký kết hợp tác với các đơn vị tham gia triển khai mô hình liên kết chuỗi |
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ; hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến. Điều này cũng gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi... Khâu yếu của chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam là thiếu tính liên kết, công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, hơn nữa sự liên kết giữa các DN để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Tiêu thụ Nông sản An toàn Việt Nam (UCA), để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như Liên minh hợp tác xã Việt Nam về việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam, quan trọng nhất là phải thực hiện theo các quy trình an toàn như VietGap, GlobalGap… Muốn vậy, các nông hộ cần liên kết chặt chẽ với các HTX, Liên hiệp HTX, các doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất theo quy trình, có đầu mối bao tiêu sản phẩm ổn định, qua đó nâng cao giá trị nông sản. “Thực hiện tốt điều này sẽ xây dựng được thương hiệu "Nông sản an toàn Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước", góp phần nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam; tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong thời kỳ hội nhập”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Cần những giải pháp đồng bộ
Để nâng cao giá trị chuỗi gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nêu ra một số giải pháp trong thời gian tới để triển khai thực hiện. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn với sản xuất, về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường (giá cả, dự báo thị trường… Tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu; tổ chức đưa DN phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, DN chế biến, xuất khẩu… xuống trực tiếp các vùng sản xuất để hướng dẫn cho HTX, hộ nông dân phương thức bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, tem, nhãn mác…để dễ đưa vào kênh tiêu thụ; Cùng với đó, phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao hơn nữa năng lực cho các DN, HTX hộ nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập quốc tế...
![]() |
Liên kết chuỗi giúp nâng cao giá trị nông sản |
Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị nêu thêm một số giải pháp, các HTX, DN Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó, nông dân, HTX cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi, sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng không được nhiều người biết đến, thị trường không đón nhận thì giá trị sản phẩm không được nâng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân, lợi nhuận của HTX cũng không tăng. Ngoài ra phải đổi mới tư duy, nắm bắt tốt chủ trương, chính sách kịp thời, mỗi doanh nghiệp, HTX cũng cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý; nghiên cứu nắm bắt thị trường để có chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, HTX của mình bền vững. Như vậy mới thực sự góp phần nâng cao giá trị nông sản và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Phương Nam