Trong năm 2019, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho 69 lao động nông thôn, đạt 66% kế hoạch. Đồng thời, tổ chức 1 buổi truyền thông, tư vấn học nghề cho 120 trưởng thôn, cộng tác viên thôn, khu; phát 3.500 tờ rơi tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tư vấn, giải quyết việc làm cho lao động.
Gắn đào tạo với nhu cầu người học
Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với trường nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức 6 lớp trung cấp nghề, gồm các lớp: Điện dân dụng, hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lưu trú, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ cho 245 học viên.
![]() |
Khảo sát nhu cầu của người học trước khi tổ chức dạy nghề. |
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn đều tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đó, có cơ sở định hướng nghề nghiệp đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, để đề xuất, mở các lớp đào tạo nghề có hiệu quả cao, thu hút đông đảo học viên tham gia.
Hiệu quả thấy rõ qua các lớp đào tạo nghề, điển hình như anh Trần Văn Bảo (xã Đoàn Kết), một trong những học viên được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vân Đồn. Trước kia, anh Bảo vốn làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo lái xe cho lao động nông thôn, anh Bảo xin làm lái xe taxi, công việc và thu nhập ổn định hơn trước.
Nhiều mô hình kinh tế đã ra đời, đạt hiệu quả từ chương trình đào tạo nghề như HTX Tuyền Hiền với mô hình "Gà bản Đầm Hà". Sau khi được hỗ trợ được đào tạo nghề, anh Nguyễn Văn Tuyền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân) mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư mở rộng xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua sắm trang thiết bị máy móc.
Anh Tuyền vận động 6 hộ trong thôn cùng tham gia thành lập HTX Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương. Đến nay, HTX Tuyền Hiền có trang trại nuôi gà rộng gần 2 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống, 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Tuyền cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu để mở rộng quy mô trang trại, mong muốn địa phương hỗ trợ về tiếp cận ứng dụng kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi mới và mặt bằng sản xuất...
Phối hợp nâng cao hiệu quả đào tạo
Định hướng năm 2020, bà Đặng Thị Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn, cho biết: Căn cứ trên tình hình thực tiễn, Phòng sẽ tham mưu mở các lớp đào tạo nghề cho phù hợp. Đối với lao động có điều kiện sản xuất, có đất, có rừng thì hướng vào đào tạo những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ, như các mô hình trồng trọt, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm…
![]() |
Mô hình nuôi gà của HTX Tuyền Hiền. |
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên huyện chưa tổ chức được lớp dạy nghề, dự kiến từ nay đến cuối năm, huyện sẽ mở 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho khoảng 105 lao động nông thôn, trong đó tập trung vào những ngành nghề cung cấp lao động chất lượng cao cho Khu kinh tế Vân Đồn, nâng cao trình độ cho các thành viên HTX...
Theo bà Hà, thời gian qua, hầu hết các lớp dạy nghề được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất của địa phương, giúp học viên có kiến thức cơ bản, vận dụng hiệu quả vào thực tế, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao hơn, bà Hà cho rằng ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo.
"Có như vậy, người dân mới yên tâm tham gia các lớp học để nâng cao tay nghề và kỹ năng, tìm kiếm công việc, với mức thu nhập ổn định ở những nghề phi nông nghiệp", bà Hà nói.
Thy Lê