Thượng Long là xã miền núi, có tổng diện tích tự nhiên hơn 5.000 ha, với 8 thôn, xấp xỉ 2.700 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm 96%. Cùng với sự phát triển chung của huyện, xã đang có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Học nghề để thoát nghèo
Theo UBND xã Thượng Long, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại xã còn cao là do thiếu đất, thiếu vốn sản xuất. Người dân chưa biết cách làm ăn, hạn chế kiến thức khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tập quán sản xuất lạc hậu, một bộ phận còn ỷ lại, chưa biết tiết kiệm tích lũy.
![]() |
Tham gia các khóa đào tạo nghề giúp lao động nông thôn có thêm cơ hội việc làm (Ảnh TL). |
Một số gia đình diện chính sách được Nhà nước trợ cấp, nhưng neo đơn, bệnh tật thường xuyên, thiếu lao động nên không thể vươn lên để thoát nghèo. Đặc biệt, việc kết hôn sớm, học hành dở dang nên nhiều người trẻ không có việc làm, thu nhập bấp bênh.
Trước tình hình trên, kể từ năm 2016 đến nay, xã đã tích cực phối hợp với các ban ngành chức năng huyện tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập.
Chị Lê Thị Thêm, người Cơ Tu, xã Thượng Long, chia sẻ cách đây 6 năm, chị kết hôn khi vừa tốt nghiệp cấp 3, cả hai vợ chồng còn quá trẻ nên không có việc làm, chỉ giúp cha mẹ làm nông, cạo mủ cao su, hết vụ lại đi làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Sau gần 2 năm kết hôn, năm 2017, chị Thêm đăng ký với trưởng thôn xin đi học nghề may theo chính sách của Nhà nước. Sau 3 tháng học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nam Đông, chị được nhận vào Công ty may Kim Sora (đóng trên địa bàn huyện).
“Ngay trong quá trình học, tôi cũng được hưởng phụ cấp. Học xong lại được giới thiệu việc làm tại công ty nên thu nhập ổn định. Mức lương hiện tại của tôi là gần 4 triệu đồng/tháng, lại không mất tiền ăn ở nhà, cuộc sống ngày càng khá hơn”, chị Thêm phấn khởi nói.
Cũng được tạo điều kiện học nghề và làm việc cùng công ty với chị Thêm, chị Trần Thị Ép cho biết, bên cạnh mức lương ổn định, công ty cũng thực hiện đóng các loại bảo hiểm và phúc lợi khác.
“Sự quan tâm, hỗ trợ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp giúp người lao động nông thôn có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi nâng cao đời sống và có tinh thần trách nhiệm hơn trong công việc”, chị Ép chia sẻ.
Tạo sinh kế bền vững
Không chỉ dạy nghề và giới thiệu lao động vào các doanh nghiệp, xã cũng tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp, trang bị kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa cho người dân, đồng thời hỗ trợ các hộ liên kết, thành lập các tổ hợp tác.
![]() |
Công tác đào tạo nghề được ưu tiên hàng đầu trong quá trình giảm nghèo bền vững ở Thượng Long (Ảnh TL). |
Điển hình như Tổ hợp tác trồng dược liệu xã Thượng Long đang có hơn 10 hộ thành viên phát triển mô hình trồng thiên niên kiện dưới tán rừng, được doanh nghiệp bao tiêu để chế biến tinh dầu, làm thuốc.
Đáng chú ý, 80% thành viên Tổ hợp tác được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng thiên niên kiện nguyên liệu dưới tán rừng của huyện. Đến nay, thu nhập bình quân của thành viên đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo UBND xã Thượng Long cho hay, thời gian qua, cùng với các chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xã đã tích cực đẩy mạnh công tác dạy nghề, với nhóm ngành phi nông nghiệp, đa phần là nghề may mặc bởi trên địa bàn huyện có doanh nghiệp may, thuận tiện tìm việc làm.
Với nhóm ngành nông nghiệp, xã tập trung đào tạo các lớp kỹ thuật cây, con giống chủ lực gắn với định hướng phát triển nông nghiệp thế mạnh như trồng dược liệu dưới tán rừng, chăm sóc cam, chăn nuôi, cạo mủ cao su…
Đang có những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã vẫn còn khá thấp, dẫn đến thu nhập bình quân của người dân chưa cao. Đến nay, toàn xã vẫn còn trên dưới 25% hộ nghèo.
Do đó, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân học nghề, gắn với việc rà soát lại nhu cầu thực tế của địa phương để đào tạo theo phương thức đón đầu, "cầm tay chỉ việc".
Nhằm thu hút người học, xã sẽ thường xuyên tổ chức các diễn đàn hướng nghiệp cho học sinh THPT, tuyên truyền thông qua các hội đoàn thể địa phương để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học kết hôn sớm. Đặc biệt, phát huy vai trò của các tổ hợp tác, hỗ trợ các tổ hợp tác "lên đời" HTX, tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề.
Mỹ Chí