Từ loại cây mọc hoang, người dân xã Lương Phi đang biến cây tầm vông (còn gọi là cây trúc) thành một trong những cây kinh tế chủ lực, kéo theo sự ra đời của nghề uốn tầm vông và được người dân lưu giữ gần 30 năm nay.
Dạy nghề để nâng tầm thế mạnh
Khi được hỏi nguồn gốc của nghề uốn tầm vông, ông Trần Văn Mạnh, xã Lương Phi, thợ có gần 30 năm theo nghề, cho hay chỉ nhớ rằng nghề này xuất phát từ Tây Ninh sau đó lan đến An Giang, còn có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ.
![]() |
Uốn tầm vông là nghề truyền thống, tạo thu nhập cho nhiều lao động ở Lương Phi. |
Cứ độ từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch hàng năm, khi cây tầm vông vào vụ thu hoạch cũng là lúc các dịch vụ đốn, vận chuyển, uốn tầm vông ở địa phương phát triển theo. Tầm vông sau khi được uốn xong sẽ được thương lái thu mua giao về các vùng nuôi tôm như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... Mức giá dao động từ 9.000- 45.000 đồng/cây (tùy kích thước).
Nghề thổi lửa nướng tầm vông tuy cực nhọc vất vả nhưng mang lại cuộc sống cho nhiều lao động vùng đất Lương Phi, giúp hàng trăm hộ dân an cư lạc nghiệp.
Bà Đặng Thị Liền, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề uốn tầm vông, cho biết trước đây tiền công uốn tầm vông rất rẻ chỉ 350 đồng/cây. Giá thuê thấp nhiều người bỏ nghề nên thiếu hụt nhân công, rồi từ từ giá uốn tầm vông mới tăng lên cho đến nay được gần 2.000 đồng/cây.
“Do thân tầm vông quá dài nên phải chia ra 2 người làm, một người uốn gốc, người còn lại uốn ngọn, tiền công thì chia ra mỗi cây uốn thành phẩm rồi tính giá từ 1.500-2.000 đồng/cây. Mỗi ngày, người có tay nghề cao sẽ uốn được từ 200-250 cây. Trung bình, người thợ uốn tầm vông sẽ có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày”, bà Liền chia sẻ.
Những năm gần đây, khi nhận thấy cây tầm vông cho giá trị ổn định, từ 40 – 50 triệu đồng/ha, xã Lương Phi đã chủ động thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, nhằm tận dụng vùng nguyên liệu, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Bên cạnh nghề trồng, uốn tầm vông, sản xuất đường thốt nốt cũng là nghề truyền thống của đồng bào người dân tộc Khmer ở xã Lương Phi, hình thành vào năm 1990 và được phát triển ổn định cho đến nay.
Nghề làm đường đã mang lại nguồn thu nhập cơ bản cho các gia đình trong xã vẫn gắn bó với nghề, bình quân mỗi hộ đạt 20-25 triệu đồng/tháng, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Hiện, các hộ làm nghề đều được chính quyền địa phương tập huấn về kiến thức sản xuất, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật xử lý để cây thốt nốt cho nước tối đa và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đẩy mạnh truyền nghề, tạo sinh kế bền vững
Ngoài việc phát triển nghề truyền thống, xã Lương Phi còn có 1 HTX nông nghiệp và 4 tổ liên kết sản xuất, thu hút 76 hộ tham gia với diện tích 1.195 ha.
![]() |
Hiệu quả của công tác dạy nghề đang góp phần tạo chuyển biến kinh tế, xã hội ở Lương Phi. |
Lãnh đạo UBND xã cho biết, địa phương đang tiếp tục vận động các hộ dân có điều kiện tham gia vào HTX, nhằm đưa hoạt động kinh tế hợp tác ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt là cần người dân dân liên kết hình thành các HTX trồng dược liệu, chăn nuôi heo hoặc HTX nấu đường thốt nốt, hay HTX chế biến cây tầm vông trên địa bàn xã.
Để đạt được những thành công hiện tại, những năm qua, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, điện - đường - trường - trạm, xã luôn quan tâm đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân.
Hàng năm, Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, giao chỉ tiêu cho các ấp và các ngành, đoàn thể hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề.
Hiện nay, trong tổng số hơn 7.200 người trong độ tuổi lao động, đã có hơn 7.000 lao động có việc làm thường xuyên (đạt tỷ lệ 96,26%). Địa phương còn phối hợp tổ chức mở 14 lớp nông nghiệp, phi nông nghiệp theo Đề án 1956, giúp cho 350 lao động nâng cao tay nghề.
Nhờ có việc làm ổn định nên thu nhập của người dân cũng nâng lên. Nếu như năm 2011, thời điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Lương Phi chỉ đạt 13,767 triệu đồng thì đến nay đã đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn chưa đầy 2%.
Trong thời gian tới, công tác dạy nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân, sẽ tiếp tục là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội xã Lương Phi. Trong đó, vai trò của các HTX, Tổ hợp tác sẽ tiếp tục được chú trọng, nâng lên.
Nhật Minh