Được thành lập năm 2003, từ phải đi thuê mặt bằng sản xuất chật hẹp, liền kề nhà dân khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, thì đến nay, HTX đã có trụ sở rộng rãi, khu nhà xưởng với 2.000m2, gần 1.000m2 trưng bày sản phẩm và đào tạo nghề. Hiện HTX đã có 22 thành viên, hơn 30 lao động và 200 hộ vệ tinh.
Tạo sinh kế cho người lao động
Giám đốc HTX Hoa Mai Ngô Văn Quyến cho biết, HTX mỹ nghệ Hoa Mai có nguồn gốc từ làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ - Vân Hà vùng đất Đông Ngàn, Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh cũ, nay là huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.
![]() |
HTX mỹ nghệ Hoa Mai phát triển mạnh mẽ với sản phẩm đa dạng và độc đáo |
Khi mới thành lập, do vốn đầu tư còn hạn hẹp nên HTX chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thay đổi nhận thức của bà con miền núi vì với họ nghề mỹ nghệ truyền thống rất mới lạ. Tuy nhiên, "mưa dầm, thấm lâu", bằng những việc làm cụ thể, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây, dần dần nhận thức của bà con đã thay đổi với nghề này. Với những nỗ lực của bản thân, ông Quyến đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen như: Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú…
Ông Quyến cho biết, các sản phẩm chính của HTX là những đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như bàn ghế, giường, tủ, sập, kệ, bàn thờ các loại, đồ lưu niệm, trang trí nội thất… với giá bán trung bình từ 1 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào mẫu mã thiết kế và nhu cầu của khách hàng.
Để đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm HTX đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại như: lò sấy hơi nước, máy đục công nghệ cao, máy xẻ gỗ bán tự động, xe nâng nguyên liệu và hàng chục máy móc chuyên dùng để giải phóng sức lao động thủ công…
Trung bình mỗi năm HTX sản xuất và bán ra thị trường hàng triệu sản phẩm với doanh thu 2-3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, số lượng nhân công tại xưởng giảm nên doanh thu giảm 50% so với cùng kì năm ngoái.
Gần 20 năm hình thành và phát triển, sản phẩm của HTX mỹ nghệ Hoa Mai nay đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, hơn 80% sản phẩm được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, Đài Loan…
Dạy nghề để truyền nghề
Để có đội ngũ thợ lành nghề kế cận, sau khi ổn định sản xuất, HTX Hoa Mai bắt tay ngay vào chiêu sinh các lớp đào tạo nghề mỹ nghệ. Khi đó, HTX phối hợp với trường Công nhân kỹ thuật lao động Lào Cai tổ chức 16 lớp học và dạy nghề cho hơn 1.000 lao động, trong đó là các con em hộ nghèo và bà con đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Lào Cai như: dân tộc Tày, Dáy, H’Mông,…
![]() |
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyến hướng dẫn, đào tạo nghề cho các thành viên. |
“Cùng một mảnh gỗ, có người tạo được sản phẩm mỹ nghệ đầy sức hút, có người lại không biết làm như thế nào, trong nghề nếu không có trí tưởng tượng thì khó có thể làm nổi. Quan trọng là phải yêu nghề mới duy trì nghề được”, ông Quyến nói.
Thông thường, để đào tạo một người thợ giỏi cũng phải mất 4 năm học tập và thực hành. Đối với những học viên khuyết tật như khiếm thính, khuyết tật tay hoặc chân, ông Quyến đều tận tình chỉ dạy và có phương pháp truyền thụ thích hợp để vẫn có có khả năng phát huy khả năng tiếp nhận kỹ năng và kinh nghiệm.
Có mặt tại xưởng hoàn thiện các sản phẩm mộc mỹ nghệ, điều làm chúng tôi ấn tượng ngay từ phút đầu tiên là đôi bàn tay thoăn thoắt của chị Nguyễn Thị Thim, ở xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, người theo học nghề gần 10 năm, đến nay kỹ nghệ trạm trổ đã thành thạo.
Chị Thim cho biết, để làm ra một tác phẩm nghệ thuật thì người nghệ nhân rất chú ý đến việc lựa chọn chất liệu. Chất liệu gỗ làm ra sản phẩm luôn được chú trọng, nguyên liệu gỗ nhập trực tiếp từ Mỹ, Pháp về, đều là gỗ trồng chất lượng cao, được xử lý qua nhiều công đoạn phức tạp, đảm bảo sản phẩm sử dụng có độ bền tới hàng chục năm mà vẫn như mới.
Là công nhân có kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề ở HTX Hoa Mai, bà Nguyễn Thị Lụa (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết, nhờ có nghề mà bao nhiêu lớp trẻ, bà con trên địa bàn thành phố Lào Cai đã ổn định cuộc sống nhờ thu nhập trung bình từ 6-10 triệu đồng/tháng. Với những thợ có tay nghề cao, thu nhập có thể lên tới 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù công việc có thu nhập khá nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Nghề mộc là một trong những nghề rất dễ xảy ra các tai nạn, bệnh nghề nghiệp như hít bụi gỗ, bị dây cưa đứt văng vào tay chân; bụi bay vào mắt; điếc tai... Do vậy, HTX thường xuyên đánh giá các bước thực hành của các thành viên nhằm xây dựng một môi trường ATLĐ cho cả người lao động lẫn nhà xưởng.
Theo đánh giá của ông Quyến, sau khi giám sát nghiêm ngặt, tập huấn thường xuyên, hầu hết các chủ cơ sở sản xuất, công nhân đã có thay đổi về tư duy sản xuất, lao động... Từ đó, có ý thức hơn trong việc mang các thiết bị bảo hộ như kính, găng tay, giày, khẩu trang... Nhà xưởng gọn gàng, cách sắp đặt máy móc cũng hợp lý hơn. Nhiều thiết bị máy móc, ổ điện... chưa an toàn đã được Ban giám đốc điều chỉnh lại, từ đó, tạo sự yên tâm cho người lao động trong sản xuất.
Tô Thương