Đây là đề xuất chính thức Bộ Xây dựng gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đồng thời Bộ Xây dựng cũng đề xuất đối tượng, điều kiện được vay xây - mua - thuê nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân.
Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được chia làm hai phần. Thứ nhất là gói tín dụng cấp bù lãi suất trị giá 15.000 tỷ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó, 14.000 tỷ đồng sẽ được cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng cá nhân theo Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà. Phần còn lại dành cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội và cho các cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay.
![]() |
Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng thay thế cho gói 30.000 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó. (Ảnh: Int) |
Gói thứ hai trị giá 50.000 tỷ đồng, Ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ một số đối tượng vay ưu đãi, gồm: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng mới chỉ đáp ứng khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị những đối tượng, điều kiện được vay. Theo đó, chủ đầu tư đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê được vay nếu đáp ứng các điều kiện như đã có quyết định chủ trương đầu tư; đất sạch; được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.
Trong đó, nhấn mạnh ưu tiên chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai thực hiện nhưng bị dừng do thiếu vốn: Dự án đã hoàn thành xây dựng xong phần móng; đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo phân kỳ đầu tư (nếu có).
Công nhân khu công nghiệp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện như trường hợp thuê nhà ở, thuê nhà lưu trú chỉ cần có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp.
"Trường hợp mua, thuê mua nhà ở thì phải đáp ứng đủ các điều kiện về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập theo quy định của pháp luật nhà ở xã hội. Trường hợp công nhân có thời gian làm việc từ 4 năm trở lên tại khu công nghiệp thì không phải đáp ứng điều kiện về thu nhập" đề xuất của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Bao gồm: số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, kiến nghị này nhằm góp phần thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ đã đề ra, đó là đảm bảo an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp).
Nhìn lại thực tế giai đoạn trước, không nói đến gói 30.000 tỷ đồng từ 2013-2016, thì giai đoạn 2016-2020 Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng ngân sách được cấp cho nhà ở xã hội, còn thiếu hơn 7.000 tỷ đồng so với kế hoạch, do đó các doanh nghiệp không thể có vốn để triển khai xây nhà xã hội.
Bên cạnh đó, nhìn vào đề xuất đối tượng và điều kiện xây-mua-thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thấy một điều rằng, nếu gói hỗ trợ được phê duyệt, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn khi tiếp cận vì hiện nay phần ách tắc đều ở quỹ đất hạn hẹp, không có vốn để triển khai, điều kiện này giống như “quả trứng có trước hay con gà có trước”.
Mặc dù trong kiến nghị, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương bố trí quỹ đất xây nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế hầu như các địa phương đều đã có quy hoạch dài hạn và việc bố trí lại đợi bổ sung, sửa đổi quy hoạch, thế nên đây vẫn là một vòng tròn "luẩn quẩn" khó khăn.
Phạm Minh